40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%

0
113

GiadinhNet – Đây là con số được đưa ra trong Hội thảo Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn vừa được tổ chức hôm nay (29/6) tại Hà Nội.

Ở Việt Nam,tảo hôn có ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước và ở tất cả các dân tộc. Tỷ lệ tảo hôn đặc biệt cao trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và ở các tỉnh có đông người đồng bào DTTS sinh sống như: các tỉnh miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; một số tỉnh miền Trung và ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Theo đó, có 40/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; trong đó, 10 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20-30%, 11 DTTS từ 30-40%, 13 DTTS ở mức 40-50% và 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60%.


Toàn cảnh Hội thảo Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Ảnh: N.Mai

Toàn cảnh Hội thảo Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Ảnh: N.Mai

Vì vậy, Hội thảo là dịp để xem xét và thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính làm cản trở việc phòng ngừa và chấm dứt tảo hôn, kết hôn trẻ em ở Việt Nam. Đồng thời cũng chỉ ra những cơ hội hợp tác đa ngành của các bên liên quan và lồng ghép biện pháp can thiệp về tảo hôn vào các chương trình phát triển và chương trình kinh tế – xã hội trong điều kiện của Việt Nam, đặc biệt đối với vùng DTTS.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cho biết: “Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định.

Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh đó, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế – xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào DTTS. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS”.


Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ảnh: N.Mai

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ảnh: N.Mai

Bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: “Chìa khoá để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.

Điều này đòi hỏi mọi cơ quan Chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai, và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhất trí rằng những khuyến nghị về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian tới nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn ở Việt Nam sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước.

Mai Thùy