Hội nghị lần thứ 3 ASEAN-Nhật Bản về Già hóa dân số chủ động

0
138

GiadinhNet – Nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác ASEAN + Nhật Bản, trong 2 ngày 26-27/6/2017, tại Manila, thủ đô Philippines đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 giữa các thành viên cộng đồng ASEAN và Nhật Bản về già hóa dân số chủ động của khu vực.

Đoàn Việt Nam tích cực tham gia thảo luận tại tất cả các phiên của Hội nghị. Ảnh: Kinh Quốc (từ Manila, Philippines)

Đoàn Việt Nam tích cực tham gia thảo luận tại tất cả các phiên của Hội nghị. Ảnh: Kinh Quốc (từ Manila, Philippines)

Tham dự Hội nghị còn có Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo báo cáo Già hóa dân số Thế giới và Phát triển năm 2015 của Liên hợp quốc, cộng đồng chung ASEAN hiện có hơn 59 triệu người tuổi 60+, chiếm 9,3% tổng dân số khu vực. Năm 2050 sẽ tăng lên 24% và trở thành khu vực dân số già. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng chung ASEAN.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, ngay cả những nền kinh tế còn ở trình độ thấp cũng phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số.

Ba thành viên đang già hóa hiện nay sẽ trở thành siêu già là Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong khi các thành viên khác đều sẽ ở giai đoạn già hóa hoặc dân số già.

Mặc dù chưa phải là quốc gia đang già hóa dân số nhưng tổng dân số cao tuổi của Indonesia hiện nay đã lớn hơn cả 3 nước đang già hóa (Singapore, Thái Lan, Việt Nam) cộng lại. Số lượng người cao tuổi của Việt Nam còn lớn hơn cả dân số của Lào, Singapore hay Brunei.

Nếu chỉ tính riêng số lượng người cao tuổi 80+ của Việt Nam cũng đã lớn hơn tổng số người cao tuổi của Cambodia, Singapore, Brunei. Điều đó cho thấy những thách thức rất lớn khi mà tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên, đặc biệt là tại các quốc gia thành viên như Indonesia và Việt Nam.

Những thành công trong chương trình DS-KHHGĐ, đặc biệt là những chương trình phát triển kinh tế xã hội, những thành tựu trong phát triển khoa học kỹ thuật, y tế đã làm cho tuổi thọ của người dân ngày càng tăng lên trong khi mức sinh ngày càng giảm xuống làm cho xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng nhanh tại khu vực này. Mức sinh của của khu vực là 2,4 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 nhưng tại 3 quốc gia thành viên đang già hóa dân số thì Singapore là 1,2 con; Thái Lan: 1,8 con và Việt Nam là 2,1 con.

Hội nghị lần này là sự tiếp nối các kết quả của các hội nghị trước đó và là dịp để ASEAN xem xét bức tranh toàn cảnh về già hóa dân số của ASEAN, những kinh nghiệm tốt trong xây dựng và thực hiện chính sách về y tế và phúc lợi xã hội đối với người cao tuổi của các nước thành viên ASEAN.

Hội nghị dành nhiều thời gian cho việc thảo luận chăm sóc dài hạn, phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các chủ thể trong xã hội trong bối cảnh già hóa dân số, xây dựng môi trường thân thiện, an toàn với người cao tuổi và đặc biệt là sự phát huy vai trò, sự tham gia của người cao tuổi.

Hội nghị cũng bàn đến các mục tiêu, chỉ tiêu mà mỗi thành viên ASEAN có thể theo đuổi trên cơ sở các chiến lược về chăm sóc sức khỏe, y tế của thế giới cũng như của khu vực châu Á-Thái Bình dương.

Đoàn Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan làm trưởng đoàn đã tích cực tham gia thảo luận tại tất cả các phiên của Hội nghị.

Ông Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh tra, đã trình bày báo cáo về tình hình già hóa dân số của Việt Nam. Trên cơ sở khung lý thuyết về nội hàm của già hóa chủ động, các trụ cột chính sách đối với già hóa chủ động và định hướng chiến lược mà Tổ chức Y tế giới đưa ra, ông Đảng đã nêu lên những bước đi Việt Nam đồng thời nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức đối với vấn đề này ở Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác trong khu vực, khu vực với các đối tác cho vấn đề già hóa dân số.

Trong 2 ngày tiếp theo (28-29/6), cũng tại Manila, Philippines, Ngân hàng Phát triển châu Á đã tổ chức Hội nghị về già hóa dân số với chủ đề: Phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn và ứng phó hiệu quả. Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình dương.

Kinh Quốc (Từ Manila, Philippines)