Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Ấn Độ và những hệ lụy

0
365

GiadinhNet – Ấn Độ đang chịu hậu quả nặng nề của tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

Người Ấn Độ có một lời chúc phúc trong tiếng Phạn dành cho các bà mẹ là “chúc có 100 đứa con trai”. Sự ưa thích con trai và đánh giá thấp phụ nữ ở Ấn Độ từ lâu đã nâng cao bất thường tỷ số nam so với nữ, và sự mất cân bằng này đã đạt đến mức đáng báo động. Sự thiếu hụt các em gái trong số trẻ em dưới 7 tuổi đã tăng ở tất cả các bang quan trọng, trừ Kerala, trong khoảng từ năm 1991 đến 2001. Tăng mạnh nhất là ở vành đai từ tây-bắc Ấn Độ đến nhiều địa phận của Rajasthan.

Hiện nay, Ấn Độ thừa 37 triệu đàn ông, thanh niên nam. Tỷ lệ sinh bé gái tiếp tục giảm kể cả khi kinh tế Ấn Độ phát triển. Giới chức cho rằng tình trạng mất cân bằng giới diễn ra khi công nghệ cho phép lựa chọn giới tính cho con trong 30 năm qua.

Tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” bóp méo thị trường lao động, tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt trong khi sức tiêu thụ giảm sút, đi cùng đó là tội phạm bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm gia tăng. Những hậu quả đó không chỉ giới hạn ở Ấn Độ, mà còn lan rộng tới các nước láng giềng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đây tỷ số giới tính cao của Ấn Độ được coi là do dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của nam tốt hơn là của nữ, dẫn đến tỷ suất chết của nữ cao hơn ngay từ đầu thời kỳ trẻ thơ cho đến giữa những năm 30 tuổi. Đồng thời phụ nữ và các em gái thường bị bỏ sót trong các cuộc Tổng điều tra và điều tra mẫu, cho nên tỷ số giới tính cao một phần là do bỏ sót hơn là mất cân bằng thực tế. Nhưng việc ghi chép và chăm sóc sức khoẻ đã được cải thiện – tử vong trẻ em đã giảm nhanh đối với con gái hơn con trai – nên những giải thích theo truyền thống không được xét trước tình trạng tăng tỷ số giới tính hiện hành. Nạo phá thai gái chứng tỏ là nguyên nhân chủ yếu. Một số cha mẹ dựa vào siêu âm và các phép thử y học khác để xác định giới tính của thai và nạo phá thai nếu đó là con gái.

Ở Ấn Độ, do sẵn máy siêu âm xách tay và tiếp cận nạo phá thai đã tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ không muốn có thêm con gái. Năm 1994, Luật kỹ thuật chẩn đoán trước sinh (Quy định và ngăn ngừa sự lạm dụng) coi xác định giới tính và nạo phá thai lựa chọn giới tính là bất hợp pháp nhưng rất ít bị cưỡng bức và tỷ số giới tính vẫn tăng. Sự hiểu biết và quan tâm của công chúng tăng lên, đi đôi với những sửa đổi chặt chẽ thông qua năm 2002, chưa chấm dứt được việc làm này.

Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Ấn Độ có nguyên nhân từ yếu tố văn hóa, lịch sử. Thực tế cho thấy, tại Ấn Độ, vấn đề tài chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới. Theo văn hóa truyền thống, nữ giới sau khi kết hôn phải sống với gia đình chồng, và của hồi môn cho con gái là một gánh nặng tài chính khổng lồ. Nhiều cha mẹ thậm chí phải bắt đầu tiết kiệm để mua của hồi môn khi con gái vừa ra đời.

“Con gái tốn kém rất nhiều trong khi đóng góp của chúng cho gia đình không đáng kể. Đó là lý do các cặp cha mẹ đều muốn có con trai”, Yuiko Nishikawa, một giáo sư ngành nhân khẩu học Ấn Độ tại đại học Josai, Nhật Bản, cho biết.

Vấn đề tài chính cũng khiến các gia đình sinh ít con hơn và chỉ sinh khi xác định đó là con trai. Tổng hòa các yếu tố này khiến tỷ lệ nam giới chênh lệch ngày càng cao so với nữ giới, Nishikawa nhận định.

Chính việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Ấn Độ đã dẫn tới nạn lạm dụng và buôn bán phụ nữ gia tăng nhanh chóng, trong khi con số các vụ hãm hiếp đã lên đến mức báo động, trở thành vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Các con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng lên chóng mặt trong vòng 40 năm qua, từ 2.487 vụ năm 1971 lên 24.206 vụ năm 2011 và hơn 37.000 vụ năm 2014. Số liệu thống kê cho thấy, cứ khoảng 15 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp (chưa kể nhiều trường hợp nạn nhân giấu kín thông tin). Số vụ tấn công phụ nữ nói chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo hành. Đây được xem là thách thức nghiêm trọng và vô cùng khó khăn đối với Chính phủ Ấn Độ.

M.A (th)