Phụ nữ với nỗi ám ảnh “chảy máu ồ ạt” sau sinh

0
112

GiadinhNet – Đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc tai biến này là những sản phụ thiếu máu, sản phụ lớn tuổi, sinh con quá to, nạo hút thai nhiều lần…

Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ

Đã 5 năm trôi qua nhưng chị Oanh (Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn không thể quên được giây phút ám ảnh khi máu không ngừng chảy sau khi sinh cô con gái thứ hai. Suốt nhiều giờ đồng hồ được cấp cứu tích cực, giành giật sự sống với tử thần, chị Oanh mới qua cơn nguy kịch.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như chị. Rất nhiều sản phụ gặp tai biến băng huyết sau sinh đã mãi mãi rời xa gia đình, xa đứa con vừa mới dứt ruột đẻ ra. Mới đây nhất, một sản phụ 23 tuổi sống tại Thừa Thiên Huế cũng gặp trường hợp tương tự khi không thể qua khỏi vì bị băng huyết quá nặng sau khi sinh cậu con trai được ít giờ.

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), băng huyết sau sinh là một tai biến sản khoa  thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở các bà mẹ trên thế giới hàng năm.

Băng huyết sau sinh xảy ra khi sản phụ bị mất máu từ 500ml trở lên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Triệu chứng chung của các trường hợp này là chảy máu nhiều ngay sau khi đẻ và sổ rau.

Khi mất máu quá nhiều, sản phụ có thể bị choáng, da xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, khát nước, chân tay lạnh, vã mồ hôi… Nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.


Băng huyết là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ. Ảnh minh họa

Băng huyết là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ. Ảnh minh họa

Một số nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh:

– Cơ tử cung yếu do đẻ nhiều lần, tử cung có sẹo mổ, u xơ tử cung, tử cung dị dạng; tử cung bị căng giãn quá mức vì đa thai, đa ối, thai to

– Quá trình chuyển dạ kéo dài gây mất sức cho sản phụ

– Sót rau trong buồng tử cung

– Sản phụ bị suy nhược, thiếu máu, mắc bệnh cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén.

– Có tiền sử sảy, nạo, hút thai nhiều lần

– Tư thế đẻ không hợp lý; quá trình đỡ đẻ không đảm bảo an toàn…

Theo đó, đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao dễ gặp băng huyết sau sinh là những sản phụ thiếu máu; sản phụ lớn tuổi; sinh con quá to (trên 4kg); sinh đẻ, nạo hút thai nhiều lần; sinh đôi, sinh ba; nước ối quá nhiều; sản phụ bị bệnh cao huyết áp, rối loạn đông máu…

Tránh nhầm lẫn giữa băng huyết và sản dịch sau sinh

Trên thực tế, nhiều sản phụ sau khi đẻ thấy máu ra nhiều nhưng lại chủ quan nghĩ rằng là sản dịch sau sinh nên không thông báo cho bác sĩ, dẫn đến việc xử lý bị chậm trễ, tiềm ẩn rủi ro cao. Vì vậy, sản phụ cần phân biệt sản dịch và tai biến băng huyết để tránh nhầm lẫn, gây tai hại

Thông thường trong những ngày đầu, sản dịch có máu đỏ tươi, lượng máu ra nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người và phụ thuộc vào việc sản phụ đẻ thường hay đẻ mổ. Sau đó, lượng máu sẽ dần bớt đi và chuyển qua màu hồng rồi màu nâu.

Nếu sản dịch ra đều, không bị ứ gây đau bụng, sản phụ vẫn sinh hoạt bình thường; thay băng vệ sinh hoặc bỉm mama khi thấy cần thiết.

Còn trong trường hợp sản phụ bị băng huyết, khi đó máu dịch ra có màu đỏ tươi và chảy “ồ ạt”, kèm theo đó là hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, đau tức ở vùng tầng sinh môn khiến sản phụ vô cùng mệt mỏi, sản phụ cần lập tức thông báo cho các bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Để dự phòng băng huyết sau sinh, các chuyên gia khuyến cáo, khi mang thai, chị em cần tuân thủ việc khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của người mẹ nếu có, từ đó, điều trị sớm, chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở sau này.

Bên cạnh đó, chị em nên áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không sinh nhiều con và khoảng cách giữa các lần sinh hợp lý để tránh bị băng huyết. Với những người có tiền sử sảy thai, nạo phá thai nhiều lần, việc theo dõi thai kỳ lại càng cấp thiết, tránh rủi ro có thể xảy ra.

Về phía các nhân viên y tế, cần tăng cường năng lực cán bộ theo dõi và quản lý thai nghén; hướng tới đào tạo người đỡ đẻ có kỹ năng để nhận biết, phát hiện bất thường và xử lý kịp thời rủi ro mà các sản phụ có nguy cơ gặp phải, đảm bảo cuộc đẻ diễn ra thuận lợi, không có tai biến xảy ra.

N.Mai