Nhiệm vụ cấp bách của công tác dân số

0
162

Một trong những “điểm nhấn” quan trọng của Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Công tác Dân số trong tình hình mới” (Nghị quyết 21) là “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển…”.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

CHUYỂN TRỌNG TÂM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ LÀ YÊU CẦU TẤT YẾU

Tháng 1-1993, Hội nghị Trung ương 4 khóa VII đã ban hành Nghị quyết riêng về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) với mục tiêu duy nhất là: “Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, để tới năm 2015 bình quân trong toàn xã hội mỗi gia đình (một cặp vợ chồng) có 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số từ giữa thế kỷ XXI”. Triển khai Nghị quyết này, với bộ máy tổ chức được tăng cường, nguồn lực được bổ sung, nhất là việc cụ thể hóa thông qua chiến lược, chương trình, dự án, công tác dân số của nước ta đã thu được kết quả vượt cả mục tiêu đề ra (trước đó, cả 3 kỳ Đại hội IV, V, VI mục tiêu dân số đều không đạt được).

Thành công của chính sách DS-KHHGĐ đã hạn chế được bùng nổ dân số; hình thành cơ cấu dân số “vàng”; chất lượng dân số được nâng lên… qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường nước ta. Tuy nhiên, thành tựu lớn cũng sinh ra những thách thức mới: mức sinh rất khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính ở trẻ em đã ở mức nghiêm trọng; di dân diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Những xu hướng dân số mới như trên đặt ra câu hỏi: chính sách dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua – đặt KHHGĐ là trọng tâm – liệu có còn thích hợp? Nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào?

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ và sâu sắc những xu hướng mới của dân số cũng như tác động to lớn của những xu hướng này đến sự phát triển bền vững của đất nước, Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã xác định 5 quan điểm nền tảng cho công tác dân số hiện nay; trong đó đặc biệt chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức do tình hình dân số mang lại, Nghị quyết 21 đã cụ thể hóa việc chuyển “trọng tâm”, thông qua việc đề ra 6 nhóm mục tiêu toàn diện, bao trùm các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số với 23 chỉ tiêu cụ thể.

MỤC TIÊU TOÀN DIỆN, THÁCH THỨC LỚN LAO

Có thể thấy rằng, hệ thống mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết 21 là rất rộng và rất cao. Những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện 6 nhóm mục tiêu do Nghị quyết số 21 đề ra, cụ thể là:

Duy trì mức sinh thay thế: Thách thức hiện nay là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn. Vì vậy, Đảng chủ trương “tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Do đó, việc xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước là yêu cầu đồng thời là thách thức lớn của công tác dân số hiện nay.

Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên: Ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận vào năm 2006, khi trong số trẻ em sinh ra trong năm, cứ 100 cháu gái thì tương ứng có tới 110 cháu trai. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng. Năm 2016, tỷ số này lên tới 112,8/100.

Nếu xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ XXI, dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành, nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người. Hậu quả chính là sự khủng hoảng về hôn nhân, phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tội phạm mua bán phụ nữ, tệ nạn mại dâm, gây bất ổn xã hội và khó khăn trên thị trường lao động…

Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay mới chỉ tập trung ở một số khu vực, điển hình là vùng đồng bằng sông Hồng. Điều này đã sớm được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú ý đề cập trong chính sách, pháp luật để điều chỉnh. Theo đó, việc xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn có con trai “nối dõi tông đường”, kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi là việc làm khó, không thể thay đổi trong “một sớm, một chiều”, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài; sự nỗ lực kiên trì, liên tục và mạnh mẽ của toàn xã hội.

Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng”: Một quốc gia có cơ cấu dân số “vàng” khi tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm 66% trở lên. Năm 2007, tỷ lệ này ở nước ta đã đạt 66% (bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”) và hiện nay, tỷ lệ này xấp xỉ 70%. Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số “vàng” không khai thác thì sẽ mất (vào khoảng năm 2040). Vì vậy, cần tích cực tận dụng cơ hội này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thích ứng với già hóa dân số: Năm 2011, dân số 60 tuổi trở lên của nước ta là 10%, nghĩa là Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hoá. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có “dân số già” vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20 % với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Vì vậy, “thích ứng với già hóa dân số” là một thách thức lớn hiện nay, nhất là trong điều kiện Việt Nam già hóa nhanh.

Phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư: Công nghiệp hóa và kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Từ 2004-2009, đã có gần 7 triệu người di cư, tăng 50% so với giai đoạn 1994-1999, góp phần làm tăng tỷ lệ dân đô thị trong khoảng 15 năm trở lại đây và đẩy mạnh xu hướng tập trung dân số vào một số thành phố, vùng lãnh thổ.

Cùng với việc điều hòa để phân bố dân số hợp lý trên phương diện kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, những biến đổi dân số mạnh mẽ, nhanh chóng cũng đặt ra yêu cầu và thách thức khi xây dựng hệ thống thông tin quản lý dân cư phù hợp, linh hoạt, cập nhật và chính xác.

Nâng cao chất lượng dân số: So với thế giới, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta vẫn còn thấp. Việt Nam chưa lọt được vào tốp 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Điều này cho thấy những thách thức lớn lao trong việc đạt được mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số”.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH TRƯỚC MẮT

Để thực hiện thành công Nghị quyết 21, cùng với triển khai đồng bộ hệ thống 7 giải pháp mà Nghị quyết đã xác định (bao gồm các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng pháp luật và chính sách; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ; đầu tư và quản lý tài chính; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hợp tác quốc tế), trước mắt, cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách.

Một là, quán triệt sâu rộng những nội dung trong Nghị quyết 21. Cần nhận thức rõ “tình hình mới” của công tác dân số không chỉ ở Trung ương mà còn ở từng địa phương; không chỉ là những xu hướng mới của dân số mà còn là điều kiện mới về kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật… Đặc biệt, cần nắm chắc hệ thống 6 mục tiêu tổng quát và 23 chỉ tiêu cụ thể của chính sách dân số mới. Những mục tiêu này bao trùm cả quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số nên rộng lớn hơn rất nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, năm 1993 (chỉ có một mục tiêu). Những mục tiêu này cũng chính là cụ thể hóa bước chuyển trọng tâm chính sách dân số “từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển”. Tuy nhiên, tình hình dân số, đặc điểm kinh tế-xã hội ở các vùng, các tỉnh có nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, mỗi địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện mục tiêu và vận dụng sáng tạo 7 giải pháp mà Nghị quyết 21 đề ra.

Hai là, khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật và chính sách dân số cho giai đoạn mới. Ngày 31-12-2017 Chính phủ đã có Nghị quyết số 137/NQ/CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/ TW về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 137). Nghị quyết 137 xác định 42 đề án cần được xây dựng, ban hành cho đến năm 2020; trong đó, 7 đề án cần được xây dựng hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có đề án nào có khả năng hoàn thành đúng thời hạn.

Việc chậm trễ trong xây dựng và ban hành các đề án ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 21, kéo dài tình trạng lúng túng, mất phương hướng trong công tác dân số ở một số địa phương. Do đó, cần khẩn trương huy động lực lượng, các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm nỗ lực xây dựng và hoàn thành đúng hạn các đề án này.

Ba là, tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Chỉ tính riêng việc tránh được 11,5 triệu ca sinh so với dự kiến kế hoạch vào năm 2015 đã góp vào thu nhập bình quân của mỗi người dân Việt Nam tăng thêm 10,9%. Do vậy, cần sớm đẩy nhanh nghiên cứu, tính toán đầy đủ nhu cầu đầu tư cho công tác dân số với nội dung đã được xác định rõ trong Nghị quyết 21, phân chia theo các nguồn để trình cấp có thẩm quyền quyết định mức đầu tư cụ thể cho công tác này những năm tới.

Bốn là, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành. Công tác dân số trong tình hình mới được khởi đầu với việc thay đổi lớn về tổ chức bộ máy. Đó là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ quận/huyện vào Trung tâm y tế đa chức năng. Điều này gây nên tư tưởng dao động đối với nhiều cán bộ DS-KHHGĐ quận/huyện. Vì vậy, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ dân số các cấp; sớm ổn định tổ chức; chú trọng khai thác những điểm mạnh, những điểm tích cực và những điểm hợp lý của mô hình này để công việc bớt trung gian, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số “từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển” đòi hỏi công tác dân số phải cập nhật, phải tính đến các yếu tố “phát triển”. Ngược lại, các kế hoạch phát triển cũng cần tính đến sự biến đổi nhanh về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Điều này gợi ý các Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ các cấp hiện nay có thể chuyển đổi thành Ban chỉ đạo dân số và phát triển phù hợp với tinh thần chuyển trọng tâm chính sách dân số mà Nghị quyết 21 đề ra. Cùng với đó, cần xúc tiến nghiên cứu, đánh giá tổng kết kinh nghiệm, xây dựng mô hình, tổ chức bộ máy hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số cho phù hợp với yêu cầu triển khai công tác trong tình hình mới là một trong những việc cấp bách hiện nay./.

ThS. NGUYỄN DOÃN TÚ – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình/
Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương