Người mang đến điều kỳ diệu cho các cặp vô sinh, hiếm muộn

0
140

Hơn 15 năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản với kiến thức chuyên môn cao, bác sĩ Lê Thị Hương Liên đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nhóm thầy thuốc đang thực hiện chuyển phôi trong labo thụ tinh ống nghiệm.
Nhóm thầy thuốc đang thực hiện chuyển phôi trong labo thụ tinh ống nghiệm.

Tìm con cho bệnh nhân, tìm hạnh phúc cho mình

Theo bác sĩ CKII Lê Thị Hương Liên, Trưởng Khoa hỗ trợ sinh sản, chữa vô sinh, hiếm muộn không phải con đường mà ngay từ đầu chị lựa chọn. Tất cả đến với chị đều gói gọn trong một chữ “duyên”. Về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa từ năm 1999, bác sĩ Liên được phân công làm việc tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, chị đảm trách công việc mà theo chị “chẳng ai muốn làm” là phá thai. Đặc thù nghề nghiệp đã khiến chị thấu hiểu những đau đớn, mất mát của các bà mẹ bỗng dưng phải chối bỏ những đứa con tật nguyền hoặc do sàng lọc giới tính, hoặc do chưa sẵn sàng để sinh con… Nhưng cũng có lúc chị phải làm thủ thuật phá thai cho những ca thai nhi đã lớn vì cha mẹ chúng bỗng dưng không thích, không tìm được lối thoát nào khác, hoặc giải quyết hậu quả từ sự quan hệ bừa bãi, lối sống thoáng, lệch lạc.

Người cầu mong chút con cũng khó, kẻ mấy lần vứt bỏ vẫn có thai… Tất cả những bi kịch cuộc đời ấy, chị đều chứng kiến, khóc cười với nó. Hạnh phúc mà chị có được là khi nhiều bà mẹ quay trở lại bệnh viện, mang theo con và khoe “nếu ngày xưa không có chị khuyên bảo giữ lại cái thai thì hôm nay không có thằng bé/con bé này”.

Chính vì niềm hạnh phúc đó mà năm 2002, bệnh viện cử cán bộ đi đào tạo về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Liên là người đầu tiên xung phong. Mặc dù lúc đó điều kiện gia đình có nhiều khó khăn, các con đều còn nhỏ, nơi học cách nhà quá xa.

Nhưng trong thâm tâm, bác sĩ Liên luôn có một động lực thôi thúc, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về chuyên ngành còn khá mới mẻ đối với Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. “Đây chính là cơ hội để tôi có thể học tập, nghiên cứu, thực hành các kỹ thuật hiện đại, tích lũy kinh nghiệm về điều trị hiếm muộn, vô sinh để thực hiện ước muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người không may bị vô sinh, hiếm muộn” – bác sĩ Liên nói.

Từ một phòng khám thuộc Khoa Phụ 2, phòng khám vô sinh đã phát triển thành Khoa Hỗ trợ sinh sản như ngày nay. Cái tên “Hỗ trợ sinh sản” chỉ có từ năm 2004 nhằm phát triển hơn nữa các kỹ thuật sinh sản tiên tiến bên cạnh các kỹ thuật cổ điển mà nơi đây đã áp dụng chữa trị vô sinh thành công cho nhiều cặp vợ chồng. Trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển, khoa đã ngày càng hoàn thiện và phát triển, khẳng định được vị trí quan trọng trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên địa bàn tỉnh.

Khoa có thể thực hiện thành công tất cả các kỹ thuật hiện đại trong hỗ trợ sinh sản, như: Bơm tinh trùng đã lọc rửa buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, bơm tinh trùng vào tương noãn, chọc hút mào tinh, đông tinh, đông phôi, giảm thai. Đến nay, Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người hiếm muộn.

Bác sĩ Liên cũng như các y, bác sĩ tại đây không “phóng tay” trong điều trị vô sinh mà rất cân nhắc, nỗ lực bằng những phương pháp cổ điển nhưng có hiệu quả, rẻ tiền để người bệnh đỡ tốn kém. Chỉ khi nào “hết đường” mới áp dụng phương pháp hiện đại như thụ tinh trong ống nghiệm.

Với những phương pháp cổ điển, bác sĩ Liên đã giúp giảm chi phí rất nhiều cho người bệnh, thường chỉ bằng 1/5 – 1/8 so với thụ tinh bằng kỹ thuật hiện đại (chỉ 5 – 7 triệu đồng/trường hợp thay vì hàng chục triệu đồng). “Trung bình mỗi tháng Khoa Hỗ trợ sinh sản của chúng tôi đón nhận và điều trị cho hàng trăm ca bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ thụ tinh sau ICSI là 80%, tỷ lệ có thai sau chuyển phôi là 63% và tỷ lệ trẻ sống là gần 40%. Riêng năm 2018, bệnh viện đã giúp 140 cặp vợ chồng có con sau nhiều năm chạy chữa” – bác sĩ Liên cho biết.

Hạnh phúc là khi đón tiếng khóc chào đời

Là người trực tiếp can thiệp vào hành trình tìm con của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, bác sĩ Liên coi đó là diễm phúc của cuộc đời. Mỗi đứa trẻ sinh ra, bác sĩ Liên coi chúng như con cái mình, khoảnh khắc chúng cất tiếng khóc chào đời khiến bác sĩ hạnh phúc biết bao. Không ít lần bệnh nhân và các đồng nghiệp đã chứng kiến cảnh bác sĩ Liên rơi lệ trong lúc bế trên tay em bé – là “tác phẩm” mà bác sĩ cùng một số đồng nghiệp là “tác giả” tạo nên.

Bác sĩ Liên kể mỗi dịp tết đến, xuân về, rất nhiều bố mẹ nhớ đến các bác sĩ đã mang tiếng cười trẻ thơ đến cho gia đình mình. Họ bế những đứa bé quay trở lại, tỏ lòng biết ơn. Bác sĩ đã nhìn đứa bé từ khi còn là tế bào, sau đó nằm trong tử cung của người mẹ và cất tiếng khóc chào đời. Giờ “những đứa bé hiếm hoi” lớn lên, xinh đẹp, học giỏi thì không có hạnh phúc nào lớn lao hơn.

Chỉ vào chồng hồ sơ bệnh nhân xếp cao trên bàn làm việc, bác sĩ Liên cho hay: “Mỗi ngày có khoảng hơn 100 cặp vợ chồng tới đây điều trị vô sinh, hiếm muộn. Có những cặp vợ chồng “vái tứ phương” không thành, từng bị “phán” vĩnh viễn không thể có thai được. Nhưng sau khi thăm khám, có một tia hy vọng, đã đủ làm bác sĩ lâng lâng cả ngày. Thế nhưng, buồn thương là khi có cặp vợ chồng bán đất, bán nhà chữa 5 – 7 lần không thể có thai được, đến lúc tưởng như thành công thì lại mất con. Số phận trêu ngươi, bệnh nhân không cầm nước mắt, cứ thế mà giãi bày, làm bác sĩ làm sao chúng tôi cầm lòng cho được”.

Và đôi khi, các y, bác sĩ nơi đây đã giúp bệnh nhân đi tìm hạnh phúc theo cách khác biệt. “Có trường hợp người vợ đã 52 tuổi, buồng trứng không hoạt động, tử cung teo lại vì mãn kinh. Vì thế, bệnh nhân phải uống thuốc gần 1 năm để tử cung giãn ra và phải đi xin trứng của cháu gái để mang thai. Ở tuổi xế chiều, đôi vợ chồng đón cặp sinh đôi rất hạnh phúc dù trứng không phải của mình. Một trường hợp khác cũng rất đặc biệt, hai bệnh nhân cùng bị hội chứng buồng trứng đa nang, cùng được kích thích buồng trứng, chọc trứng 1 ngày. Tuy nhiên, một bệnh nhân có rất nhiều trứng, bệnh nhân còn lại không hề có trứng. Cảm thông với hoàn cảnh của người phụ nữ bất hạnh, người phụ nữ kia đã chia sẻ 6 trứng của mình và ông trời đã không phụ lòng người, 2 phụ nữ đều có con sau đó” – bác sĩ Liên chia sẻ.

Gắn bó với nghề, ngày đêm trăn trở với căn bệnh hiếm muộn nhưng bản thân bác sĩ Liên chưa bao giờ đặt ra cho mình phải có được thành tích này, thành tích kia… Chị bảo: “Mục tiêu của chị chỉ vỏn vẹn trong những nụ cười viên mãn của người cha, giọt nước mắt hạnh phúc nóng hổi rơi trên má của người mẹ, khi nghe tiếng khóc trẻ thơ đầu tiên trong mỗi gia đình hiếm muộn. Cũng là phụ nữ, chị hiểu thiên chức làm mẹ thiêng liêng đến nhường nào. Khi đến đây, bệnh nhân thường quá lo lắng và hoang mang vì mang trong mình mặc cảm không thể sinh con một cách tự nhiên. Vì thế, bác sĩ phải là người tạo cho họ cảm giác an tâm và trao cho họ niềm tin vào cuộc sống”.

Có lẽ vì vậy, bác sĩ Liên càng trở nên đặc biệt hơn trong mắt đồng nghiệp và bệnh nhân. Họ luôn dành tình cảm và sự hàm ơn sâu sắc đến chị. Đọc những dòng tin nhắn một bà mẹ gửi đến bệnh viện, chúng tôi cảm nhận rõ ràng tình cảm hàm chứa bên trong: “Tôi là một người mẹ đang ngập tràn hạnh phúc bên đứa con mới chào đời từ sự điều trị và chăm sóc tận tình của các bác sĩ tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa… Nhìn con mình lớn lên từng ngày, được chăm sóc con từ giấc ngủ, bữa ăn, tự tay mình mua sắm cho con từ cái khăn, đôi giày, nghe những tiếng bập bẹ… tôi thấy mình hạnh phúc vô bờ, nhiều lúc tưởng chừng như trong mơ. Những niềm vui như thế đối với những người khác rất đỗi bình thường nhưng với vợ chồng tôi nó quý giá vô ngần…”.

Bác sĩ Liên tâm sự: “Niềm vui của chúng tôi là những lần thành công trong điều trị vô sinh, đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho các cặp vợ chồng ao ước có được một mụn con…”.

Theo Báo Thanh Hóa