60 năm ngành Dân số – Vì một Việt Nam phát triển bền vững: Bài học kinh nghiệm từ lịch sử các mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số ở Việt Nam

0
152

GiadinhNet – Bộ máy quản lý công tác dân số của nước ta nhiều lần thay đổi nhưng xoay quanh 2 mô hình chủ yếu. Mỗi mô hình đều có những lợi thế và nhược điểm. Điều đó đã giúp Việt Nam có được những thành công nhất định, song cũng có không ít những khó khăn. Nghiên cứu lại các mô hình này, sẽ giúp chúng ta có được những cái nhìn tổng quan, có giá trị lớn cho việc xây dựng một mô hình phù hợp cho giai đoạn hiện nay cùng với việc triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam từ nay đến 2030.

Mô hình thứ nhất, áp dụng trong giai đoạn 1961-1991

Ở cấp Trung ương có “Ban Chỉ đạo hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch”, do Thủ tướng làm Trưởng ban kiêm nhiệm (năm 1984 là Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch kiêm nhiệm). Bộ Y tế là cơ quan Thường trực (giai đoạn 1970-1974 là Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em). Một số Bộ, ngành và đoàn thể xã hội là thành viên. Các cấp tỉnh, huyện và xã có mô hình tương tự. Thực tiễn cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy này mang lại ít kết quả. Sau 30 năm thực hiện chính sách KHHGĐ, năm 1991, bình quân mỗi phụ nữ hết tuổi sinh đẻ vẫn có tới gần 4 con. Liên tiếp 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng IV, V, VI, mục tiêu về dân số không đạt được, đòi hỏi phải nghiên cứu để hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Trước hết cần chú ý rằng, y tế và dân số rất khác nhau về tính chất công việc. Hoạt động khám, chữa bệnh mang tính khẩn cấp “cứu người như cứu hỏa”, kết quả thường thấy rõ ngay và cụ thể ở cấp độ cá nhân. Trong khi đó, các hoạt động của công tác dân số tuy quan trọng nhưng không mang tính “cấp cứu” và kết quả thời gian dài mới bộc lộ. Chính vì vậy, công tác dân số dễ bị “chìm trong biển việc” khẩn cấp của y tế.

60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững: Bài học kinh nghiệm từ lịch sử các mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cán bộ chuyên trách dân số bản Lọng Phẳng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) tuyên truyền phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện công tác dân số. Ảnh: cema.gov.vn

Mặt khác, người bệnh phải tự tìm đến cơ sở y tế; trong khi đó, KHHGĐ ích nước, lợi nhà nhưng là việc mới nên cán bộ dân số phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tìm đến dân để vận động thay đổi hành vi từ sinh đẻ tự nhiên, không kế hoạch sang sinh đẻ có kế hoạch.

Nhà Vật lý thiên tài Albert Einstein nói: “Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”, đủ biết thay đổi hành vi còn khó khăn đến mức nào. Chính vì vậy, công tác dân số chủ yếu được “bao cấp”, nhưng y tế phần lớn là hoạt động có thu và đang từng bước tự chủ tài chính. Trong bối cảnh nói trên, cộng thêm các nguồn lực dành cho y tế luôn luôn thiếu hụt, nên người quản lý thường chú trọng, ưu tiên nhân lực, vật lực, tài lực cho công việc khám, chữa bệnh, bởi công tác này luôn quá tải, khẩn cấp.

Có thể rút ra bài học từ giai đoạn này là sự không tương xứng giữa một bộ máy yếu ớt và một nhiệm vụ khó khăn là nhân tố quyết định dẫn đến công tác dân số ít thành công.

Mô hình thứ hai, áp dụng trong giai đoạn 1991-2007

Để khắc phục những nhược điểm của mô hình thứ nhất và đẩy mạnh công tác dân số, Nghị định 193-HĐBT ngày 19-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định 42/CP ngày 21-6-1993 của Chính phủ đã kiện toàn và tăng cường Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ (Ủy ban) với những điểm mới như sau:

1) Ủy ban là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng;

2) Bộ trưởng là Chủ nhiệm chuyên trách của Ủy ban;

3) Ủy ban có Văn phòng riêng, tách khỏi Bộ Y tế;

4) Bộ phận Thường trực hoàn toàn tách khỏi Bộ Y tế, có cơ cấu gồm các vụ, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng;

5) Bộ phận kiêm nhiệm bao gồm đại diện của 19 bộ, trong đó có Bộ Y tế và các đoàn thể, tổ chức xã hội. Bộ máy quản lý DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện và xã đều có kết cấu tương tự.

Với tổ chức bộ máy quản lý DS-KHHGĐ được kiện toàn, đầu tư đúng mức, cách làm sáng tạo, giai đoạn 1991-2002, công tác dân số đã đạt được thành tựu vượt trội, thể hiện qua kết quả giảm mức sinh. Nếu 10 năm, từ 1979-1989, tỷ suất sinh thô chỉ giảm được gần 2,4 %o thì 10 năm, từ 1992-2002, chỉ tiêu này đã giảm tới 11,8%o. Tương tự, số con trung bình của một phụ nữ trong giai đoạn 1992-2002 cũng giảm kỷ lục: Từ 3,9 xuống 2,28 – nghĩa là sát mức sinh thay thế, góp phần quyết định đạt mục tiêu giảm sinh sớm 10 năm mà Nghị quyết 04-NQ/HNTW khóa VII về “Chính sách DS-KHHGĐ” đề ra. Nhờ thành công này, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã trao Giải thưởng Quốc tế về Dân số cho Việt Nam. Thành tựu giảm sinh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Bài học sâu sắc được đúc rút từ giai đoạn này là: Để công tác dân số thành công thì bộ máy làm công tác này không thể “nằm trong” Bộ hay Ửy ban nào, mà ngược lại, nhiều Bộ, ban ngành phải là thành viên của Ủy ban DS-KHHGĐ và có bộ phận Thường trực, chuyên trách, với kết cấu chặt chẽ từ Trung ương đến thôn, xóm, bản làng.

Khi mức sinh đã giảm thấp, tiến sát mức sinh thay thế, năm 2002, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em với mô hình tổ chức tương tự như Ủy ban DS-KHHGĐ giai đoạn 1993-2002. Điều này đã tạo đà cho xu hướng giảm sinh tiếp tục được giữ vững, năm 2005 đã đạt mức sinh thay thế và duy trì cho đến nay.

Thực hiện đúng quan điểm “Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ”

Bước sang thế kỷ XXI, dân số nước ta đã xuất hiện những xu hướng mới tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước như: Mức sinh thấp, hình thành cơ cấu dân số vàng, đồng thời bước vào quá trình già hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư ngày càng sôi động và chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao.

Chính vì vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới đã xác định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết cũng yêu cầu “tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ”.

Từ những quan điểm trên, có thể hiểu là phải xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm của công tác dân số hiện nay là Dân số và Phát triển.

 GS Nguyễn Đình Cử – Th.S Lương Quang Đảng