60 năm ngành Dân số – Vì một Việt Nam phát triển bền vững: Nâng cao chất lượng dân số là đầu tư cho tương lai

0
154

GiadinhNet – Đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thực tế, dân số ổn định thì phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho cộng đồng. Dân số và Phát triển tác động qua lại chặt chẽ với nhau. Bước tiến của lĩnh vực này thúc đẩy, tạo thuận lợi cho lĩnh vực kia.

Nhận thức được tác động của gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội, ở nước ta, ngay từ năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mặc dầu trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn.

Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” (gọi tắt là Nghị quyết 04). Từ đây, công tác dân số ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện, cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác DS-KHHGĐ; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Nhờ vậy, kết quả đạt được đều vượt xa mục tiêu đề ra, Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,86% (năm1991) xuống còn 1,36% (năm 2000), quy mô dân số từ 67,24 triệu dân tăng lên 77,64 triệu năm 2000, thấp hơn 4,36 triệu so với mục tiêu đã đề ra khoảng 82 triệu dân vào năm 2000. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế. Nhờ đó kinh tế ổn định và phát triển nhanh hơn.

Sau hơn 60 năm thực hiện công tác dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước: Quy mô dân số hiện nay gần 96,5 triệu người (năm 2019), tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số 10 năm (2009-2019) trong khoảng từ 1,05% đến 1,15%/ năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68%.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6% tuổi (năm 2019), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Mỗi cặp vợ chồng có hai con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa trong toàn xã hội; dịch vụ DS – KHHGĐ ngày càng được mở rộng và chất lượng ngày càng cao…

Nâng cao chất lượng dân số là đầu tư cho tương lai - Ảnh 1.

Chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì công tác dân số hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ để ổn định quy mô dân số, hiện nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ; nhất là nâng cao chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, tỉnh thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, mức sinh vẫn còn cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả bởi chưa có giải pháp đồng bộ… Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu…

Do đó, tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đặt ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số; thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia Dân số và Sức khỏe sinh sản; đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người; bảo đảm tổng tỷ suất sinh thay thế, giảm dần sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và đảm bảo quyền trẻ em.

Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới cũng xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác Dân số và Phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Để thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương ký ngày 25/10/2017 đề ra, cùng với sự nỗ lực của ngành dân số, cần có sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó vai trò của các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Các Tỉnh ủy, Thành ủy, các ban Đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai quán triệt nội dung Nghị quyết, xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vùng miền, tạo thành phong trào rộng lớn trong nhân dân mới có thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai.

H.N