Phá thai ở tuổi vị thành niên đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

0
132

GiadinhNet – Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.

Thông tin tại Hội thảo ngày 28/7, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan.

Ví dụ, về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, theo số liệu đến năm 2021, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%. Tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, đến năm 2019 con số này còn 46 ca).

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Bên cạnh đó, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh. Năm 2021, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi là 13,6 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống; trẻ 5 tuổi là 20,5 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống.

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng đáng kể sau 20 năm (2000 – 2020). Cụ thể, nữ giới tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm; nam giới tăng từ 162,3 cm lên 168,1 cm. Hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Riêng về vấn đề nạo phá thai, ông Trần Đăng Khoa cho biết, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2005) xuống còn 10 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2021).

So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ 1 ca đẻ thì có 1 ca phá thai, hiện nay 10 ca đẻ mới có 1 ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400 nghìn ca (năm 2010) xuống dưới 200 nghìn ca (2019). Nước ta cơ bản loại trừ các cơ sở phá thai bất hợp pháp.

Về công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, thời gian qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đã tích cực xây dựng các văn bản pháp quy, các chương trình, đề án về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên (VTN/TN); xây dựng đề án truyền thông, tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cùng với đó, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho VTN trong trường học theo chủ đề; hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình góc dịch vụ thân thiện VTN/TN…

Theo báo cáo thống kê chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho thấy, cả tỷ lệ mang thai vị thành niên và phá thai ở lứa tuổi này đều có xu hướng giảm.

Cụ thể, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên giảm từ hơn 62 nghìn ca năm 2010 xuống còn 55 nghìn ca năm 2019. Tỷ lệ phá thai của vị thành niên cũng giảm từ xấp xỉ 9.100 ca xuống còn 2.300 ca trong giai đoạn 2010-2019. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù giảm nhưng con số này vẫn đang ở mức cao.

Mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn đang là vấn đề đáng báo động. Tranh minh họa

Ngoài những thành tựu đã đạt được, theo ông Trần Đăng Khoa, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chẳng hạn, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 (đồng bào dân tộc thiểu số) cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, tử lệ tử vong sơ sinh còn cao chiếm đến 70-80% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).

Tại các phòng khám tư nhân, còn một số trường hợp phá thai quá tuổi thai quy định và phá thai trong điều kiện vô khuẩn chưa đảm bảo, dẫn tới tai biến; hơn nữa chưa thu thập được số liệu thống kê tỷ lệ phá thai tại các cơ sở tư nhân…

Do đó, thời gian tới, theo các chuyên gia, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Tăng cường giáo dục giới tính toàn diện trong nhà trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thầy cô giáo và cha mẹ; triển khai chương trình cung cấp biện pháp tránh thai, phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục cho thanh niên trẻ; mở rộng dịch vụ thân thiện với VTN/TN…

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo về kỹ thuật phá thai an toàn, vô khuẩn, tư vấn sau phá thai (tránh phá thai nhắc lại); tăng cường kiểm tra tuân thủ pháp luật về tuổi thai cho phép và điều kiện vô khuẩn trong phá thai.

Về công tác truyền thông, chú trọng xây dựng bộ thông điệp truyền thông chủ chốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản và nhiều loại hình sản phẩm truyền thông như tờ gấp, áp phích, sách lật, video clip khoa giáo; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng về những vấn đề nóng như tai biến sản khoa, tai biến sơ sinh, “sinh con thuận theo tự nhiên” mà không đến cơ sở y tế…

Nguyễn Mai