Chỉ 28% phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung mỗi năm

0
93

GiadinhNet – Mặc dù là ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ độ tuổi sinh sản song hiện tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nước ta hàng năm chỉ đạt khoảng 28%.

Thông tin tại Hội thảo chia sẻ về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có trên 5.100 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có khoảng 2.500 ca tử vong vì bệnh này.

Tỷ lệ hiện mắc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (CIN2/CIN3) ở phụ nữ độ tuổi 30-54 là 4,8% (nghiên cứu 2013 trên 4.000 phụ nữ tại Hải Phòng và Cần Thơ). Người nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Trong đó type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra trên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Ảnh minh họa

Theo ông Trần Đăng Khoa, ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm tuy nhiên có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine HPV, hoặc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro, giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tuy vậy, hiện nay, ung thư cổ tử cung mới chỉ được phát hiện qua sàng lọc thụ động (khi khám phụ khoa), chưa triển khai được chương trình sàng lọc chủ động. Tỷ lệ sàng lọc ở phụ nữ còn khá thấp (28%), nên khó đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia là 60% vào năm 2025.

Hơn nữa, hiện cũng chưa có hệ thống đăng ký, theo dõi dọc đối với những phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện tổn thương, chẩn đoán, xử trí“, ông Khoa thông tin

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sàng lọc ung thư cổ tử cung thấp, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, hiện năng lực sàng lọc của các tuyến còn hạn chế. Cụ thể, chỉ có 22% bệnh viện huyện có khả năng thực hiện xét nghiệm tế bào học cổ tử cung, còn lại chỉ lấy bệnh phẩm cổ tử cung gửi tuyến trên xét nghiệm.

Chỉ có 33% trạm y tế xã thực hiện được phương pháp VIA (nghiệm pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch axit axetic 3 – 5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện bất thường bao gồm các tổn thương tiền ung thư) và 21% lấy được bệnh phẩm.

Mặt khác, trong gần 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua đã cản trở việc triển khai kế hoạch đào tạo các kỹ thuật sàng lọc.

Bên cạnh đó, ông Khoa cho biết thêm, hiện tại, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chưa cho thanh toán đối với các chi phí khám sàng lọc. Trong 3 phương pháp sàng lọc, chỉ có VIA là rẻ tiền, còn 2 phương pháp còn lại khá đắt tiền (nhất là HPV) so với túi tiền của người dân. Vì vậy, chương trình sàng lọc chủ động cho cộng đồng chưa thể triển khai được một cách có hệ thống.

Để dự phòng ung thư cổ tử cung, lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em kiến nghị, cần mở rộng chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung ra toàn quốc; tích cực vận động để đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả. Kỹ thuật VIA có thể đưa ngay vào danh mục chi trả của BHYT, áp dụng tại các tuyến y tế cơ sở.

Đối với các kỹ thuật sàng lọc đắt tiền hơn như xét nghiệm tế bào và HPV, tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ đồng chi trả BHYT; nghiên cứu chính sách ưu tiên đối với nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đăng ký, theo dõi dọc về sàng lọc ung thư cổ tử cung và kết nối với hệ thống Đăng ký ung thư quốc gia.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, có nhiều nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, trong đó, virus HPV là thủ phạm chính, chiếm 99,7%. Virus này lây truyền qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác gây ung thư cổ tử cung như: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi; sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Hơn nữa, phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1 – 2 con; một số trường hợp béo phì, sử dụng thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng.

Khi mắc ung thư cổ tử cung, chị em sẽ có một số dấu hiệu điển hình như: Ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu; đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng. Ngoài ra, nhiều chị em sẽ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, không đều; mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.

Nguyễn Mai

Thông tin chi tiết xem tại đây