Hưởng ứng ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) và Tháng hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam

0
158

Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 01 tháng 10 hàng năm làm ngày kỷ niệm Quốc tế Người cao tuổi, viết tắt là IDOP (International Day of Older Persons). Đây là một ngày hành động quốc tế được lập ra với mục đích tuyên truyền, cổ động cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ những người cao tuổi.

Năm 1982, Tổ chức Liên Hợp Quốc lần đầu tiên tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại nước Áo với hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về việc lấy ngày 01 tháng 10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi và đa số các nước đều tán thành. Ngày Quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tổ chức là vào ngày 01/10/1991. Hội nghị đã thông qua chương trình chung tay hoạt động quốc tế về tuổi già, khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước thành viên phải quan tâm, giải quyết các vấn đề về người cao tuổi.

Năm 2023, kỷ niệm lần thứ 33 Ngày Quốc tế người cao tuổi, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề về Ngày Quốc tế người cao tuổi là: “Fulfilling the Promises of the Universal Declaration of Human Rights for Older Persons: Across Generations” (Tạm dịch: “Thực hiện lời hứa của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho người cao tuổi: Qua các thế hệ”).

Trên toàn thế giới, số người từ 65 tuổi trở lên được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 761 triệu người vào năm 2021 lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên thậm chí còn tăng nhanh hơn. Già hóa dân số là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Vào năm 2021, cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Vào năm 2050, nhóm tuổi này dự kiến sẽ chiếm 1/6 người trên toàn cầu.

Già hóa dân số ở Việt Nam

Quá trình già hóa dân số của Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra từ những năm 2010 dưới tác động của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao. Theo số liệu thống kê năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03%, cao xếp thứ hai trong cả nước và đang phải đối diện với thách thức về già hóa Dân số.

Thành phố hiện có 162 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với 3.983 hội viên là người cao tuổi tham gia sinh hoạt, các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp tư vấn, cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.… qua đó góp phần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, có 162 tổ tình nguyện viên với 2.104 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho 5.044 người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 3412/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023” trong ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề : “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”.

Theo đó, các hoạt động y tế được thực hiện và tiếp tục triển khai trong Tháng hành động vì người cao tuổi bao gồm: khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ, tư vấn sức khoẻ, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, không có BHXH…; tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn về phòng và chữa bệnh ở người cao tuổi; hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật; tư vấn về chế độ dinh dưỡng, chuyên môn kỹ thuật, phương pháp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và gia đình người cao tuổi; tiếp tục thực hiện “Chương trình Mắt sáng cho người cao tuổi”…

Ngành Y tế Thành phố sẽ tiếp tục triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi (không phân biệt tạm trú hay thường trú) vào năm 2024 để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)…, từ đó đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình WHO PEN. Dữ liệu khám sức khỏe sẽ được liên thông vào Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ngành liên quan cùng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng mô hình chăm sóc phục hồi chức năng cộng đồng, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông về chiến lược khám sức khỏe người cao tuổi, truyền thông thay đổi suy nghĩ về mô hình chăm sóc phát hiện bệnh tại Trạm y tế…).

Lễ ra mắt câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi và tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại Phường Tân Hưng – Quận 7

(Đính kèm Kế hoạch số 7802/KH-SYT ngày 15/9/2023 về tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023” trong ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh).

Khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại huyện Nhà Bè

SỞ Y TẾ TP.HCM
Thông tin chi tiết xem tại đây.