NGẠI YÊU, LƯỜI ĐẺ: ÁP LỰC DÂN SỐ GIÀ NHANH, GIẢM SÂU (KỲ 3)

0
86

Xu hướng lười đẻ khiến dân số Việt Nam già hóa “siêu tốc”, quy mô dân số cũng sẽ giảm mạnh sau 20 năm nữa.

Lười đẻ – đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số

Các chuyên gia dân số khẳng định, xu hướng lười đẻ hiện nay nếu không được ngăn chặn sớm sẽ để lại nhiều gánh nặng cho tương lai đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam.

Về hậu quả của việc “lười đẻ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng chia sẻ, Việt Nam đang có mức sinh thay thế “không đều” giữa các vùng. Đặc biệt, ở 1 số địa phương có xu hướng các cặp vợ chồng ngày càng lười đẻ.

Mỗi đứa trẻ chào đời đều mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bố mẹ, xã hội nhưng áp lực nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng lớn khiến các cặp vợ chồng sợ đẻ, lười đẻ. (Đón trẻ chào đời tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh BVCC)

“Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa- xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại, nếu không có các giải pháp để “kích sinh” ở những vùng có mức sinh thay thế thấp (dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ – PV) thì tốc độ già hóa dân số của nước ta vốn đã nhanh nay lại càng “thần tốc” hơn.

“Việt Nam đang là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Đơn cử, nếu như Pháp mất 15 năm để chuyển từ dân số vàng sang dân số già mất 115 năm, còn Việt Nam chỉ mất 19 năm. Nếu bệnh “lười đẻ” lan rộng thì tốc độ này sẽ còn bị đẩy nhanh hơn nữa khi trẻ em ngày càng ít đi.

Với thời gian “già hóa” quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, chúng ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già. Do đó, hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn.

Khi dân số già, chi phí chăm sóc và các chi phí xã hội khác cao hơn; Ít nhân công hơn, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, cơ sở tính thuế thấp hơn, ít người tiêu dùng hơn. Hậu quả là tăng trưởng kinh thế thấp hơn và mức sống giảm”, ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, nếu mức sinh ngày càng tụt như hiện nay, các chuyên gia dân số dự báo dân số Việt Nam sẽ tăng lên lên “đỉnh điểm” 107 triệu vào năm 2044, sau đó “tụt dần đều” và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội (Chăm sóc người già tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, KĐT Thanh Hà Cienco5, Hà Nội. Ảnh Gia Khiêm)

“Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí… Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số khiến suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ”, ông Trung nói.

Chia sẻ với PV Dân Việt, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng nhận định, mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.

“Đáng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh. Dự tính khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội đặt ra.

Nếu như mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta “trở tay không kịp”, GS Cử nhấn mạnh.

Về hậu quả xã hội ít trẻ con, nhiều người già, GS Cử chia sẻ: “Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, “thu ít mà chi nhiều”.

Ngoài ra, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…

Lười đẻ, đẻ 1 con cũng làm gia tăng lựa chọn giới tính khi sinh là trẻ nam làm tăng mất cân bằng giới tính cao hơn nữa (đẻ 1 con nên lựa chọn thai nhi là nam luôn, cho chắc- PV). Hệ lụy là 15-20 năm nữa, ngày càng nhiều đàn ông Việt không lấy được vợ”.

Không cần đợi 18 năm bệnh “lười đẻ” mới để lại hậu quả

Mới đây, đại biểu Trần Kim Yến, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng cho rằng, việc lười đẻ khiến mức sinh hạ thấp như hiện nay chưa để lại hậu quả ngay mà phải hàng chục năm sau.

Dân số già thúc đẩy phát triển các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi…(Chăm sóc người già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng. Ảnh Ngọc Hải)

“Phải đến 18 năm sau mới thấy các hiệu quả do một đứa trẻ hôm nay, 18 năm sau mới trưởng thành và là nguồn nhân lực cho đất nước. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cũng phải có chính sách để giải quyết vấn đề này”, bà Yến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới, hậu quả của việc sinh ít có thể để lại hậu quả tức thì chứ không chỉ là “18 năm sau”.

GS Thịnh phân tích, khi trẻ em giảm, các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ trẻ em như công ty sữa, sản xuất quần áo, đồ chơi trẻ em… sẽ “thất nghiệp”.

Hiện tại chúng ta đang khổ sở tìm trường học mẫu giáo, tiểu học cho trẻ, Nhà nước tính đến việc phải mở thêm trường lớp nhưng trẻ em ngày càng ít thì số trường lớp này sớm “ế”.

Đơn cử, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022, quốc gia này có 289.200 trường mầm non, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ. Số trẻ em đăng ký học mầm non là 46,3 triệu, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2021.

Còn theo Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở nước này sẽ giảm từ 5,2 triệu em trong năm nay xuống còn 4,25 triệu em vào năm 2029 do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tại Hàn Quốc có tình trạng, ngày khai giảng, khối lớp 1 chỉ có… 1 học sinh nhập học. Một số trường tiểu học đã phải đóng cửa vì thiếu học sinh.

Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên thất nghiệp, bác sĩ nhi khoa phải chuyển nghề…

Tuy nhiên, GS Thịnh cũng đánh giá, nếu dân số giảm ở mức vừa phải thì sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm thiểu các vấn đề khan hiếm tài nguyên, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng mức thu nhập bình quân đầu người…

Hay chỉ đơn giản có thể làm bớt tắc đường, bớt quá tải bệnh viện, trường học đang góp phần làm nhiều người “sợ đẻ” như như hiện nay. Đồng thời thúc đẩy phát triển các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi…

Ngày càng nhiều người già tìm đến Viện dưỡng lão vì sinh ít con hoặc con cái quá bận rộn (Chăm sóc người già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng. Ảnh Ngọc Hải)

Dân số và già và mức sinh giảm tác động mạnh lên xã hội

“Trong muôn vàn lý do dẫn đến việc giảm sinh, có cả lý cho chủ quan lẫn khách quan.

Hiện nay, kinh tế phát triển, thanh niên trẻ có nhiều tham vọng, đeo đuổi sự nghiệp và các thú vui cá nhân, không thích với dành thời gian, chăm sóc con trẻ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con… cũng là áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và lười đẻ.

Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập, tỷ lệ số dân tại các khu này tính bằng cả phường, nhưng những dịch vụ để phục vụ cho người dân còn thấp và thiếu…

Mặt khác, một vấn nạn vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, là tình trạng nạo phá thai tại các cơ sở y tế công lẫn tư vẫn diễn ra tràn lan, có thể dẫn đến vô sinh hoặc vô sinh thứ phát…

Nếu đà giảm sinh như hiện nay không được ngăn chặn thì dự báo dân số sẽ giảm sâu và tốc độ già hóa dân số được đẩy nhanh hơn. Năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069 cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người trên 60 tuổi.

Hai điều này sẽ tác động toàn diện đến phát triển kinh tế-xã hội và từng gia đình, từng cá nhân”

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế)

(Còn nữa)

Nguồn: Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Thông tin chi tiết xem tại đây