Dân số TP.HCM đang… già

0
331
(PLO)- Mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình cao, mức chết thấp là nguyên nhân khiến dân số TP.HCM đang già.

“Tôi làm ở doanh nghiệp may mặc, chồng tôi chạy xe công nghệ nên thu nhập không cao, tằn tiện lắm mới đủ sống” – chị TTMC (32 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ.

Sinh nhiều con nuôi cực, sinh ít lại lo làm tăng dân số già

Vợ chồng chị C có con trai bảy tuổi, hết hè này vô lớp 2. “Cháu đang tuổi ăn tuổi lớn nên tốn tiền lắm. Vợ chồng tôi nhịn ăn, nhịn mặc chứ cháu muốn gì có đấy. Do vậy, tiền dành dụm để phòng thân cũng không được nhiều” – chị C nói.

Gia đình hai bên giục vợ chồng chị C sinh thêm con để sau này vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, nghĩ tới cảnh sinh con nhưng không nuôi nấng đầy đủ nên anh chị lại thôi.

Sinh ít dẫn đến tình trạng mức sinh ở TP.HCM thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dân số TP.HCM đang già.

ThS PHẠM CHÁNH TRUNG, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

Gia đình khá giả, thu nhập khá cao nhưng vợ chồng anh TMH (34 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng chỉ một “công chúa” sáu tuổi.

Đề cập tới lý do không sinh thêm con, anh H chia sẻ: “Cha mẹ sinh năm, sáu người con không ngán nhưng vợ chồng tôi chỉ có đứa con mà ngán quá. Đúng là nuôi con quá vất vả, mỗi khi con bệnh là vợ chồng tôi nóng ruột, mất ăn mất ngủ cả ngày. Do vậy, mỗi khi nhắc tới chuyện sinh thêm con, vợ chồng tôi lắc đầu”.

Ngoài nguyên nhân nói trên, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM cao và mức chết thấp cũng góp phần dẫn đến tình trạng dân số TP.HCM đang già đi. “Thống kê cho thấy năm 2022, mức sinh trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,39 con, trong khi cả nước là 2,01 con; tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM năm 2022 là 76,30; trong khi cả nước là 73,60” – ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết.

Kết quả thống kê cho thấy tỉ lệ người trên 60 tuổi ở TP.HCM tăng với tốc độ khá nhanh. Năm 2019, 2020 và 2021, tỉ lệ người già trên 60 tuổi ở TP.HCM lần lượt là 9,30%, 10,78% và 10,71%. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số đó tăng lên 11,03% (1.033.355 người).

Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động 10%-20% là dân số đang già (hoặc già hóa dân số), vượt qua 20% là dân số già. “Căn cứ số liệu thống kê nói trên, có thể khẳng định TP.HCM đang bước vào giai đoạn dân số đang già” – ông Trung nói.

Dân số đang già và những thách thức

Theo ông Trung, TP.HCM đã bước nhanh vào tiến trình dân số đang già. Điều này tạo ra những thách thức về mặt kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng.

“Dân số đang già sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu” – ông Trung nói thêm.

Dân số đang già còn khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên. Điều này làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu, đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế.

Một người cao tuổi ở TP.HCM được bác sĩ khám sức khỏe. Ảnh: TRẦN NGỌC 

“Bên cạnh đó, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển, các chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi” – ông Trung thông tin.

Dân số đang già sẽ khiến cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn… “Tất cả hệ lụy nói trên nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức rất lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa” – ông Trung chia sẻ.

Để ứng phó với quá trình dân số đang già tại TP.HCM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Riêng ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

“Ngành y tế cần xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Tham gia góp ý, hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi” – ông Trung nói.

Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con

Sáng 14-7, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp 2023 trên địa bàn TP.HCM.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của TP.HCM, ngành y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con góp phần cải thiện mức sinh của TP, kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng và làm chậm quá trình già hóa dân số.

Sau lễ phát động, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM phối hợp với Trung tâm Y tế quận 3 tổ chức tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn; khám sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai; khám và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thông tin chi tiết xem tại đây.