Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia Dân số và Ngày Dân số VN 26/12: Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng: Để cất cánh cao hơn

0
105

Không ít nước nghèo về tài nguyên nhưng đã phát triển kinh tế – xã hội một cách thần kỳ nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khi mức sinh giảm xuống thấp, dưới mức một phụ nữ sinh bình quân hai con và kéo dài trong một vài thập kỷ sẽ mở ra cơ hội (thường gọi là cửa sổ dân số) do làm thay đổi cơ cấu: Trẻ em (dưới 16 tuổi) ít đi; tăng nhanh nhóm người trong độ tuổi lao động (16-59 tuổi) và tăng dần người cao tuổi (trên 60). Như vậy, "Dư lợi dân số" xảy ra do nguồn lao động dồi dào, đạt đỉnh điểm khi 2 lao động "gánh hoặc nuôi, hay phụng dưỡng" chưa đến 1 người ngoài tuổi lao động (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Nói một cách khác, khi tỷ số phụ thuộc được tính bằng số người ngoài tuổi lao động so với số người trong tuổi lao động dưới 50 sẽ tạo nên "cơ cấu dân số vàng".

“Cơ hội vàng” kéo dài bao lâu?

 

Vươn cao. Ảnh: PV

Cơ cấu vàng sẽ mất đi không trở lại khi mức sinh tăng trên mức thay thế (trên hai con) hoặc giảm quá thấp, đến mức suy giảm quy mô dân số và tỷ trọng người cao tuổi quá cao tạo nên dân số già. Cơ hội vàng cũng bị lãng phí, không được tận dụng nếu không tạo nên "chất lượng nguồn nhân lực vàng". Đây mới là điều kiện đủ để phát triển bền vững của mọi quốc gia, bởi nó là một trong những yếu tố cơ bản nhất, cùng với thể chế chính trị và hệ thông pháp quyền tạo nên năng lực cạnh tranh kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hội nhập và phát triển .

Các chuyên gia LHQ cho rằng: Cơ hội dân số với cơ cấu vàng đã đến, sẽ kéo dài và sẽ mất đi khó có thể lặp lại. Theo thống kê và dự báo dân số của nhiều nước, "cơ cấu dân số vàng" thường kéo dài 20- 40 năm và thực tế cho thấy, cho đến nay cơ cấu vàng đến với các nước chỉ có một lần. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Dân số- kế hoạch hóa gia đình: Giai đoạn cơ cấu vàng của nước ta sẽ kéo dài khoảng 35- 40 năm (bắt đầu từ 2006), nếu ổn định mức sinh dưới mức thay thế trong vài thập kỷ tới.

Kinh nghiệm và các can thiệp về chính sách

Ở Việt Nam, khả năng tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp nguyên liệu (dầu khí), dịch vụ, cả công nghiệp tri thức cao như xuất khẩu các phần mềm đang mở ra nhiều cơ hội tận dụng dư lợi dân số… 

Đến nay, nhiều nước đã có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh của nguồn lao động. Từ những năm 70, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số: Ban hành Luật dân số toàn diện (năm 2001), thực thi chiến lược lấy nhân tài để xây dựng đất nước hùng mạnh, thực thi đề án dự phòng 3 cấp để nâng cao chất lượng dân số: Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

 
Nhật Bản coi trọng Chương trình chăm sóc đồng bộ về dinh dưỡng, phổ cập giáo dục, phát triển thể chất và chấn hưng thể dục thể thao và đã xây dựng được nền kinh tế tri thức với nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàn Quốc ban hành Chiến lược (sau nâng thành Luật) phát triển nguồn nhân lực với chủ đề: Công dân xuất sắc, xã hội tin cậy. Malaysia ban hành Đạo luật phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng lao động có tay nghề, hiệu quả và kỹ thuật, nhằm nâng cao năng xuất, phát triển kinh tế bền vững đã đầu tư xây dựng các cụm trường đào tạo nhân công chất lượng cao…
 
Bất cập về đội ngũ lao động
 

Theo các chuyên gia quốc tế, có 3 loại nhóm chính sách cần xây dựng và thực thi để tận dụng cơ cấu vàng: Nhóm nâng cao sức khỏe của nhân dân và người lao động: Y tế, SKSS/KHHGĐ. Nhóm giảm thiểu mang thai ngoài ý muốn. Nhóm liên quan đến lao động, các thị trường đầu tư và nguồn vốn con người.

Tại thời điểm 1/4/2009, Việt Nam có 49,2 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,3% dân số, bao gồm 47,7 triệu có việc làm và 1,5 triệu người thất nghiệp. Đáng báo động là trong đó chỉ có 14,9% đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. 

Tuy nhiên, trong số gần 50 triệu lao động (hàng năm lại tăng thêm khoảng 1,6 triệu người) còn những hạn chế và bất cập như sức khỏe (chiều cao, cân nặng, sức bền) còn hạn chế so với nhiều nước. Trình độ học vấn, văn hóa và trình độ chuyên môn, tay nghề còn hạn chế. Lao động dồi dào nhưng chủ yếu làm nghề nông và công nghiệp nhẹ nên giá trị kết tinh trong sản phẩm không cao. Lao động xuất khẩu chưa nhiều và hạn chế (đặc biệt là tính kỷ luật, ý thức tự tôn dân tộc) so với các nước có chính sách xuất khẩu lao động. Số người thất nghiệp và lãn công còn nhiều, đặc biệt ở nhóm thanh niên từ 16-29 tuổi còn rất cao.

Để “cửa sổ vàng” không khép lại

Tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam cơ hội vàng đang có, sẽ kéo dài không lâu và không xuất hiện lại.

Cửa sổ cơ hội đang dần khép lại ở nhiều nước, trừ cận Sahara- Châu Phi trong vòng 10- 20 năm tới và đây chính là giai đoạn phải xây dựng các chính sách thích hợp. Những đầu tư cho y tế, giáo dục, đào tạo dạy nghề, tạo công ăn việc làm là đặc biệt quan trọng cũng như các chính sách đáp ứng với mức sinh ngày càng thấp và dân số ngày càng già.

Cơ hội dân số không tự động đến, không tất yếu đem lại tác động tích cực, đó chỉ là điều kiện cần để nền kinh tế cất cánh. Trước hết phải nắm lấy cơ hội vàng, đừng lãng phí. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng: Tầm quan trọng hàng đầu thuộc về môi trường chính sách trong nước. Không có môi trường chính sách phù hợp, mặc dù có những điều kiện tốt khác, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ thời cơ tăng trưởng cao trong một thời gian dài khi cơ hội dân số vàng đã bắt đầu.

 

Phải tận dụng thế nào cho tốt?
 
– Trước hết cần nâng cao nhận thức ngay từ các cấp lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách và cho toàn dân về cơ hội có “cơ cấu dân số vàng”.

– Rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách sử dụng nguồn nhân lực hiện tại cho hiệu quả nhất… Có chương trình đào tạo chuyên biệt đối với nhóm lao động xuất khẩu và và bảo vệ quyền lợi của người lao động, bao gồm có chính sách lương, phúc lợi hợp lý.

– Xây dựng và thực thi chính sách, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược đào tạo nghề, chiến lược dân số, SKSS (2011- 2020), chiến lược chăm sóc dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo.

– Lồng ghép và cơ cấu vàng với biến dân số cần phải là biến trung tâm trong tất cả các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

– Cần nghiên cứu thực trạng, các bài học thành công cũng như thất bại của các nước, giành lấy và tận dụng tốt cơ hội vàng để phát triển bền vững.