GiadinhNet – Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác y tế năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020 (do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của ngành Y tế trong thời gian qua, dù trong điều kiện còn rất khó khăn.
Thời gian qua, ngành Y tế đã có những thành tựu quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ảnh: Dương Ngọc.
Chăm lo đào tạo đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế đã có bước tiến dài quan trọng, đáng tự hào, từ đó đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Thời gian tới, ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ, chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều lĩnh vực có khả năng và trên thực tế có thể rút ngắn được khoảng cách giữa chúng ta và thế giới. Trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng tự hào và tin tưởng ngành Y tế Việt Nam bắt kịp bằng bạn bè quốc tế, thậm chí có những mặt ta mạnh hơn cả quốc tế, khu vực.
Thủ tướng đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng (YTDP) và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngành Y tế nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân từ tuyến cơ sở tới tuyến Trung ương, gắn liền với thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện. Đặc biệt, ngành Y tế phải chăm lo đào tạo đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực trình độ chuyên môn cao, đồng thời có y đức tốt, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân, đây là yêu cầu hàng đầu của việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…
Tình trạng quá tải và nằm ghép, về cơ bản đã được giải quyết
Báo cáo của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tại Hội nghị cho biết, năm 2015, các giải pháp tổng thể về giảm quá tải bệnh viện đã được ngành Y tế triển khai tích cực và đồng bộ như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để tăng thêm số cơ sở y tế, giường bệnh; đẩy mạnh việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ để nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Hoạt động hiệu quả của mô hình Bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65 – 100% số ca chuyển tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng lên. Nhờ đó, 80% số bệnh viện Trung ương và tuyến cuối, tình trạng quá tải và nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết.
Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch ở trong nước, kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch. Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng được duy trì trên 90%, hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 98,2%, tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Việc quản lý thực phẩm, cảnh báo nguy cơ, kiểm soát ngộ độc thực phẩm được tăng cường. Chất lượng thuốc đã được quản lý chặt chẽ và toàn diện ở tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Tháng 6/2015, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA)…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, trong năm 2016, ngành Y tế tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, YTDP, chủ động phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để tăng nguồn lực đầu tư cho y tế.
Ngành sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm và triển khai các hoạt động khác nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, góp phần cải thiện chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân…
Cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để tăng thêm số cơ sở y tế, giường bệnh, tập trung cho các chuyên khoa quá tải như: Tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi, hô hấp, thần kinh…, ngành sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, bổ sung thêm các bệnh viện tuyến cuối có trình độ kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân; mở rộng bệnh viện vệ tinh đến tất cả các tỉnh, thành phố.
Dân số – vấn đề chiến lược của đất nước
Với công tác DS-KHHGĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là vấn đề chiến lược quan trọng, là nhiệm vụ lớn của ngành Y tế. Thủ tướng lưu ý, hiện nay Việt Nam đang rơi vào tình trạng dân số già hóa nhanh, trong khi thời kỳ cơ cấu dân số vàng cũng qua đi rất nhanh. Một trăn trở khác của người đứng đầu Chính phủ là vấn đề chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình của người dân đã được nâng cao (hiện ở mức 73,3 tuổi), nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp. Về vấn đề mức sinh, Thủ tướng lưu ý, ngành Y tế cần đánh giá kỹ tình hình mức sinh hiện nay để có những chính sách phù hợp, bởi nếu không đảm bảo mức sinh hợp lý, dân số không chỉ suy giảm mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề như: Bảo hiểm, năng suất, lực lượng lao động…
Về vấn đề tổ chức bộ máy y tế huyện, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần khẩn trương sắp xếp lại hệ thống y tế huyện. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện cần gắn với bệnh viện huyện làm công tác dự phòng, khám chữa bệnh; Phòng Y tế trực thuộc UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Riêng với bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, chờ sau khi đánh giá việc thực hiện Chiến lược DS – KHHGĐ, sau đó sẽ quyết định việc sắp xếp, tổ chức.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế quan tâm hết sức đến công tác DS-KHHGĐ, khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Chiến lược DS-KHHGĐ, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được và những khó khăn, tồn tại đang gặp phải, xác định mục tiêu giải pháp phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, ngành Y tế cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện, không xem nhẹ bất cứ lĩnh vực nào, nhưng cũng cần đầu tư trọng điểm, trọng tâm trong từng thời gian, thời kỳ.
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội