Ứng phó dịch bệnh COVID-19 cần quan tâm đến các điểm giao cắt mặt đất theo Điều lệ Y tế Quốc tế 2005

0
108

Ngày 20/05/2020, TCYTTG vừa ban hành hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19 tại các điểm giao cắt mặt đất qua chuyên đề “Controlling the spread of COVID-19 at ground crossings” (WHO). Hướng dẫn này là một hoạt động cụ thể hoá từ việc vận dụng Điều lệ Y tế Quốc tế năm 2005 (IHR 2005) do chính TCYTTG khởi xướng và đã có 194 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký cam kết thực hiện.

Điều lệ Y tế Quốc tế 2005 (IHR 2005) (International Health Regulations 2005) là gì ?

Trước thực tế hàng loạt các sự kiện mất an ninh về sức khỏe có tính khu vực hoặc toàn cầu liên quan tới các bệnh dịch truyền nhiễm trong những thập kỷ vừa qua, nổi bật như: Đại dịch nhiễm HIV/AIDS (từ 1981 đến nay); Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm (SARS) năm 2002; Dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm có lây sang người từ 2003 đến nay; Nguy cơ xuất hiện, lan truyền của nhiều chủng vi rút gây tử vong cao như Nipah, Marburg, Ebola, sốt Tây sông Nin;…, Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) đã khởi xướng xây dựng, hoàn thiện văn bản chiến lược có tính toàn cầu, gọi là Điều lệ Y tế quốc tế (International Health Regulations – IHR). Văn bản này tiếp nối tinh thần của Điều lệ Y tế quốc tế năm 1969 tuy nhiên đã có những thay đổi rất cơ bản về cách đánh giá tình hình, thống nhất các khái niệm tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cũng như các biện pháp hành động có tính toàn cầu. Văn bản có phạm vi nội dung bao phủ toàn diện và đòi hỏi hành động có tính nhất quán chung cho mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ. Có 194 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký cam kết thực hiện IHR. (Trích từ “Từ Điều lệ Y tế Quốc tế tới Chương trình An ninh y tế toàn cầu: Hướng tới một thế giới an toàn trước sự đe dọa của các bệnh truyền nhiễm” – Tạp chí Y học dự phòng, 05/04/2014).

 Theo TCYTTG, kể từ khi Điều lệ Y tế Quốc tế (2005) (IHR 2005) có hiệu lực vào năm 2007, đã có sự công nhận ngày càng tăng cho rằng không giống như sân bay và bến cảng, chính các điểm giao cắt mặt đất (ground crossings) giữa 2 quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong sự lây lan dịch bệnh khó được kiểm soát, các điểm giao cắt này thường tạo thành lối đi không chính thức giữa hai quốc gia mà không có cấu trúc vật lý, rào cản hoặc biên giới. Khách du lịch và những người sống và làm việc tại những điểm này và xung quanh biên giới đặc biệt dễ bị tổn thương trước mối đe dọa này.

IHR 2005 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm giao cắt mặt đất – điểm vào của mỗi quốc gia, để tăng cường năng lực quốc gia trong ngăn chặn, chuẩn bị, phát hiện và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, cụ thể là đại dịch COVID-19.

IHR 2005 quy định mỗi quốc gia phải chỉ định một số sân bay và bến cảng là điểm nhập cảnh có “năng lực cốt lõi” về phòng chống dịch bệnh, còn các điểm giao cắt mặt đất  chỉ là đề xuất vì lý do sức khỏe cộng đồng (Điều 19, 20 và 21). Các quy định của IHR 2005 khuyến khích các nước láng giềng ký kết các thỏa thuận song phương/đa phương để hợp tác về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và bằng cách cùng chỉ định các điểm có “năng lực cốt lõi” về phòng chống dịch bệnh để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh thường xuyên, báo cáo và ứng phó với các sự kiện có thể tạo thành cấp cứu y tế công cộng thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Theo TCYTTG, trong khi một số quốc gia đã áp dụng kiểm soát có hệ thống một cách nghiêm ngặt đối với khách du lịch, vận chuyển và hàng hóa đi qua các điểm giao cắt mặt đất chính thức, thì một số quốc gia khác lại cho phép di chuyển tương đối tự do qua biên giới, theo quy định của các hiệp định song phương hoặc khu vực, việc qua lại biên giới hàng ngày là rất cần thiết cho công việc, thương mại, thăm gia đình, đi học, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí… của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, ở những nơi mà chính quyền một nước không thể giám sát đầy đủ các điểm giao cắt mặt đất chính thức và không chính thức, thì các biện pháp y tế để kiểm soát rủi ro sức khỏe cộng đồng có thể khó thực hiện theo điều lệ của IHR 2005.

Trước những thực trạng tại một số nước trên thế giới, TCYTTG đã xây dựng và phổ biến hướng dẫn “Kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19 tại các điểm giao cắt mặt đất” (Controlling the spread of COVID-19 at ground crossings – May 20, 2020). Hướng dẫn này tập trung vào 2 nhóm hoạt động chính: (1) Xác định các điểm giao cắt mặt đất và các cộng đồng ưu tiên, (2) Các hoạt động chuẩn bị và ứng phó chủ yếu với dịch bệnh COVID-19 tại các điểm giao cắt và cộng đồng ưu tiên.

Tại Việt Nam, Cơ quan Đầu mối quốc gia (NFP) thực hiện IHR được thành lập năm 2005, đặt tại Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, và có trách nhiệm thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới về các sự kiện y tế công cộng nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh y tế quốc tế và tiếp tục chia sẻ thông tin sau đó. Việt Nam hiện là một trong 50 quốc gia tham gia Chương trình An ninh Y tế toàn cầu và cùng có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng các tình huống y tế công cộng có nguy cơ gây tổn hại cho cộng đồng trên thế giới với triết lý của IHR: “Cách tốt nhất để ngăn chặn lây lan quốc tế của bệnh dịch là phát hiện các mối đe dọa sớm và thực hiện các biện pháp hiệu quả khi sự cố còn ở mức độ nhỏ và ở cấp địa phương”. (Trích “Hội thảo Nhóm công tác thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và Chương trình An ninh Y tế toàn cầu”, 30/09/2016, vncdc.gov.vn)

Nội dung hướng dẫn “Controlling the spread of COVID-19 at ground crossings” – WHO (20/05/2020)  (file đính kèm)

 

SỞ Y TẾ TP.HCM