Thuốc tiêm tránh thai và những điều cần biết

0
1094

Thuốc tiêm tránh thai được nghiên cứu từ thập niên 60, bán rộng rãi đầu thập niên 70 đến đầu thế kỷ này đã có khoảng 100 triệu phụ nữ ở 90 nước dùng.

Thuốc tiêm tránh thai được nghiên cứu từ thập niên 60, bán rộng rãi đầu thập niên 70 đến đầu thế kỷ này đã có khoảng 100 triệu phụ nữ ở 90 nước dùng. Ở Việt Nam, thuốc tiêm tránh thai hiện nay đã có ở một số tỉnh thành, nhưng chưa được bán rộng rãi trong cả nước. Đây là hoóc môn progesteron, chỉ tiêm một lần vào bắp. Progesteron sẽ tiết dần vào cơ thể, giúp chị em tránh thai trong một thời gian dài (có loại 1 tháng và 3 tháng).

Ưu điểm

Thuốc tiêm tránh thai làm ức chế rụng trứng 100%, đồng thời ức chế tiết chất nhầy ở cổ tử cung rất mạnh làm cho tinh trùng không thâm nhập được vào buồng tử cung nên có hiệu quả tránh thai cao (99,6%).

Thuốc tiêm tránh thai dùng liều cao (150mg/lần) sẽ hấp thu chậm, có hiệu lực kéo dài nên chỉ dùng 1 lần có thể tránh thai trong 3 tháng, giống như đình sản tạm thời. Thuốc tiêm tránh thai không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, muốn có thai lại chỉ cần ngừng thuốc vài tháng. Thuốc tiêm tránh thai duy trì, làm tăng sự tiết sữa, có tiết vào sữa với lượng rất nhỏ (0,02 – 0,08 µg/kg/ngày). Trẻ bú sữa mẹ có tiêm thuốc tránh thai sẽ có chiều cao cân nặng, trí tuệ phát triển bình thường. Vì vậy, thuốc vẫn thích hợp với người cho con bú.

Phương pháp tránh thai này không gây ra rối loạn về mạch, huyết áp, không ảnh hưởng đến việc sản xuất steroid và miễn dịch, không gây phù, không làm phát triển u xơ tử cung nên có thể dùng cho người u xơ tử cung. Thuốc tiêm tránh thai có thể dùng cho người có bệnh van tim chưa có biến chứng song không dùng cho người bị bệnh tim nặng như: nhồi máu cơ tim, viêm tắc tĩnh mạch.    

Tác dụng phụ của thuốc tiêm tránh thai

Có 6 tác dụng phụ khi dùng thuốc tránh thai bằng thuốc tiêm tránh thai:

Mất kinh

Khi dùng thuốc tiêm tránh thai chỉ chứa progestin thì lượng progestin sẽ cao hơn estrogen so với tỷ lệ lúc bình thường, nên niêm mạc tử cung không phát triển mạnh dày ra và bị bong, chảy máu như lúc hành kinh thông thường, gọi là hiện tượng mất kinh. Khoảng 60% người dùng bị hiện tượng này (nếu tính cả những người chỉ bị vài lần trong năm). Hiện tượng này không có   hại gì cho sức khỏe hay sinh sản về sau, nên vẫn tiếp tục dùng thuốc tiêm tránh thai. Thuốc tiêm tránh thai có hiệu quả tới 96,6% nên hiện tượng này thường không phải là dấu hiệu có thai, tuy nhiên để chắc chắn, cần kiểm tra. Nếu có thai (có thể có thai trước khi dùng thuốc tiêm tránh thai mà không biết, hay do dùng thuốc tiêm tránh thai mà không có hiệu quả, tuy rất hiếm) thì có thể giữ lại thai hay phá thai. Trong  trường hợp muốn giữ thai thì ngừng dùng thuốc tiêm tránh thai và theo dõi như thai bình thường vì thuốc tiêm tránh thai dùng trước đó không có hại cho thai.

Rong kinh

Khi dùng thuốc tiêm tránh thai cũng có thể bị rong kinh, rong huyết, băng kinh. Rong kinh là kinh kéo dài (7 – 8 ngày) lượng máu ra bằng hay nhiều hơn bình thường (50 – 80ml). Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong những mũi tiêm đầu thuốc tiêm tránh thai sau đó hết dần, đi vào ổn định, nên vẫn cứ tiếp tục dùng thuốc tiêm tránh thai.

Rong huyết là xuất huyết một ít giữa chu kỳ hành kinh. Hiện tượng này không nghiêm trọng và không cần điều trị, sẽ tự hết. Băng kinh là lượng máu nhiều hơn hành kinh bình thường, rất ít khi xảy ra.

Tăng cân

Thuốc tiêm tránh thai làm tăng cân nhanh chóng, thường tăng 5% trong vòng 6 tháng, tình trạng tăng cân vẫn tiếp tục kéo dài. Có tới 25% nữ tham gia khảo sát đã tăng tới 10kg sau 3 năm dùng thuốc tiêm tránh thai.

Nếu khi dùng thuốc tiêm tránh thai mà bị tăng cân nhanh chóng thì nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và có thể chuyển sang dùng biện pháp tránh thai khác.  

Loãng xương

Thuốc tiêm tránh thai làm giảm độ kết dính của xương, gây loãng xương nữ ở bất cứ độ tuổi nào, thường xảy ra nhanh và tồi tệ khi dùng kéo dài quá 2 năm, còn dùng trong phạm vi 2 năm thì không hay rất hiếm xảy ra. Vì thế không nên dùng thuốc tiêm tránh thai quá 2 năm.

Thay đổi tâm trạng

Thuốc tiêm tránh thai còn làm cho người dùng thay đổi tâm trạng giống như khi có thai (khi buồn, khi giận, chán nản, mỏi mệt) nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thì cần điều trị và sau khi điều trị một thời gian ngắn cũng hết.

Nhức đầu

Ngoài ra nhức đầu, đau bụng dưới, cương vú, buồn nôn nhưng không nặng, có thể xử lý bằng các cách thông thường.

Ai không được sử dụng thuốc tiêm tránh thai?

Tiêm thuốc tránh thai là biện pháp không thích hợp với một số mẹ sau:

– Phụ nữ đang có thai hoặc đang bị ung thư vú.

– Những người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp).

– Người có bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh lý mạch máu.

– Người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim.

– Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng.

– Người bị ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.

– Người đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.

– Người bị bệnh tiểu đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu) hoặc trên 20 năm.

Một lưu ý nữa là khi áp dụng phương pháp này, bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được khám cẩn thận và biết mình có thể áp dụng biện pháp tránh thai nói trên hay không. Dựa trên tình trạng sức khỏe của chị em, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên áp dụng biện pháp nào là phù hợp nhất.

Theo Khám phá