Vì sao đại diện WHO khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá?

0
112

GiadinhNet – Theo TS Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra ở nước ta là không nhỏ. Trong khi đó, các kết quả trong phòng, chống tác hại thuốc lá có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng đáng kể thuế thuốc lá.

Mỗi năm Việt Nam phải tốn 23.000 tỷ đồng cho hoạt động điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ảnh minh hoạ
Mỗi năm Việt Nam phải tốn 23.000 tỷ đồng cho hoạt động điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ảnh minh hoạ

Gian nan cuộc chiến thuốc lá

Thống kê sơ bộ cho thấy, tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 67 vụ, tịch thu 12.900 bao thuốc lá điếu các loại, phạt hành chính hơn 500 triệu đồng. Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội cho biết: Theo thẩm quyền xử phạt của lực lượng chức năng, cao nhất chỉ được xử phạt 500.000 đồng và không được áp dụng các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật. Trong khi số lượng thuốc lá buôn lậu tăng lên thì việc bắt giữ, truy tố, xét xử đều giảm.

Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo quy định cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá công khai trên báo chí, pa nô, áp phích… Kết quả nghiên cứu tại 2.106 điểm bán lẻ thuốc lá trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế công cộng công bố mới đây cho thấy, 37% điểm bán (trong diện nghiên cứu) vi phạm quy định về quảng cáo. Trong đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội là các địa phương có tỷ lệ vi phạm cao nhất (lần lượt là 86,1%; 69,5% và 55%).

ThS Trần Khánh Long, Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ, thay vì trưng bày các bao thuốc lá thật, các doanh nghiệp đã đầu tư miễn phí hộp, tủ đựng thuốc lá in logo, màu sắc của nhãn hiệu thuốc lá; cấp miễn phí bảng điện tử quảng cáo thuốc lá màn hình Led… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thuê nhân viên nữ tiếp thị có hình thức bắt mắt để quảng bá sản phẩm.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2013 quy định: Tại những nơi như bệnh viện, trường học, khu vui chơi, chăm sóc trẻ em… tuyệt đối không được hút thuốc lá. Còn theo Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, nêu rõ: Nếu hút thuốc ở khu vực có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, qua 4 năm triển khai thực hiện, tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến. Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng…

Tăng thuế để kiểm soát thuốc lá hiệu quả

Theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và chúng ta phải tốn thêm 23.000 tỷ đồng cho hoạt động điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá (chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan). Ảnh hưởng tài chính không nghiêm trọng bằng con số 40.000 người tử vong do thuốc lá mỗi năm…

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Phát biểu tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá vừa diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi… và việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm đang gây khó cho việc cai nghiện, kéo giảm số người hút thuốc lá ở nước ta.

Theo TS Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra ở nước ta là không nhỏ. “Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ hiện nay, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58%, và thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 75% giá bán lẻ”, TS Lokky Wai nói.

TS Lokky Wai khuyến nghị, các kết quả trong phòng, chống tác hại thuốc lá có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng đáng kể thuế thuốc lá, vì đây là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. “Khi tăng thuế thuốc lá, sẽ giảm hút thuốc, đồng thời tăng doanh thu thuế của chính phủ. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp “lợi cả đôi đường”: Lợi cho sức khỏe cộng đồng và lợi cho thu thuế của chính phủ”, TS Lokky Wai khẳng định.

“Bên cạnh những thuận lợi và các kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng vẫn gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác… đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta”.

(PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá).

Thu Nguyên