Những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu nào cần được quan tâm và duy trì trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19 ?

0
56

Tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với đại dịch, nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phải tạm hoãn lại. Tuy nhiên, không có nghĩa là tạm hoãn lại tất cả, TCYTTG kêu gọi các quốc gia hãy tiếp tục duy trì cung ứng các loại dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu.

Ngày 25/03/2020, TCYTTG chính thức phát hành tài liệu hướng dẫn duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát (“COVID-19: Operational guidance for maintaining essential health services during an outbreak – Interim Guidance 25 March 2020, World Health Organization”).

 

Theo TCYTTG, hiện nay hệ thống y tế các nước đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của đại dịch COVID-19. Khi các hệ thống y tế bị quá tải thì cả tỷ lệ tử vong trực tiếp do dịch bệnh và tỷ lệ tử vong gián tiếp của các bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị bằng vắc-xin đều gia tăng đáng kể. Các dịch vụ y tế sẽ phụ thuộc vào năng lực cơ bản của một hệ thống y tế, gánh nặng bệnh tật và giai đoạn bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (không có trường hợp nào, ca mắc lẻ tẻ, ổ dịch hoặc đã lan truyền trong cộng đồng). Việc duy trì niềm tin của người dân vào khả năng của một hệ thống y tế trong đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ thiết yếu một cách an toàn và kiểm soát được rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế là một yêu cầu mang tính quyết định của một hệ thống y tế được tổ chức tốt.

 

Dưới đây là các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cần được quan tâm và duy trì trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19:

– Các dịch vụ phòng ngừa thiết yếu cho các bệnh lây nhiễm, đặc biệt là tiêm chủng;

– Các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm chăm sóc trong khi mang thai và trong lúc sinh;

– Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi;

– Cung cấp đủ thuốc và vật tư để kiểm soát các bệnh mạn tính không lây nhiễm, bao gồm cả sức khỏe tâm thần;

– Duy trì các hoạt động điều trị nội trú quan trọng;

– Hoạt động cấp cứu và các tình huống cấp tính cần những can thiệp điều trị kịp thời (nhạy cảm với thời gian);

– Các dịch vụ cận lâm sàng, bao gồm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và ngân hàng máu.

SỞ Y TẾ TP.HCM