Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về Dân số (1-31/12/2013): Sẵn sàng thích ứng với một xã hội già hóa

0
160

GiadinhNet – Ngày 4/12/2013, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số tại Hà Nội.

 

Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về Dân số (1-31/12/2013): Sẵn sàng thích ứng với một xã hội già hóa 1
Việt Nam đang đối mặt với những thách thức già hóa dân số.
Ảnh: Việt Hà.
Chủ đề chính cho Tháng hành động và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay là “Già hóa dân số – những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số mà theo các nhà nhân khẩu học là với tốc độ nhanh nhất và sẽ tiến tới giai đoạn “dân số già” ngắn nhất so với các nước trên thế giới. 

Thách thức của “già hóa dân số”

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi) nhưng đồng thời chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. 

Bắt đầu từ năm 2009, số lượng và tỷ lệ dân số nước ta từ 60 tuổi trở lên tăng rất nhanh, chỉ trong một năm từ năm 2009 đến 2010, đã tăng từ 8,7% lên 9,4% (tăng 0,7%), gấp 10 lần so với giai đoạn trước đây và xu hướng trong những năm tới, dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn. Theo quy ước của Liên Hợp Quốc, với mỗi quốc gia “già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già”, khi tỷ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm từ 10% trở lên hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi (chiếm từ 7% trở lên). Kết quả cuộc Điều tra biến động dân số 1/4/2011 cho thấy, người từ 65 tuổi trở lên của nước ta là 7%. Như vậy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”.

Tuổi thọ bình quân người Việt đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi lên 73 tuổi), trong khi thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi (từ 47 tuổi lên 68 tuổi). Tuổi thọ bình quân tăng nhanh cùng với mức sinh giảm đã làm số lượng và tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trong tổng dân số đã tăng lên rõ rệt. Tuổi thọ người dân tăng cao thể hiện bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, phản ánh những thành tựu to lớn của phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với tốc độ nhanh và khoảng thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các nước phát triển, đã khiến Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn bởi trong việc hoạch định chính sách và an sinh xã hội cho NCT.

Số người dân có tuổi thọ cao cùng tỷ trọng NCT ngày càng tăng đã tác động đến mô hình và nguyên nhân bệnh tật của NCT đang thay đổi nhanh chóng, khiến cho gánh nặng “bệnh tật kép” ngày càng rõ ràng. Khảo sát năm 2010 của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, có tới 95% NCT có bệnh và chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như xương khớp (40,62%), tim mạnh và huyết áp (46,6%), tiền liệt tuyến (63,8%); rối loạn tiểu tiện (35,7%); những bệnh tật phát sinh như sa sút tinh thần và trầm cảm lại có xu hướng tăng.

Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn dẫn đến nguy cơ khuyết tật của NCT cũng rất cao, trong đó khuyết tật thường gặp là mất thị lực và thính lực. Hệ thống y tế – lão khoa các tuyến chưa đầy đủ, thiếu thuốc men và trang thiết bị chữa bệnh cho NCT; đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.

Cần sự chuẩn bị tích cực, đồng bộ

 

Số liệu Tổng Điều tra năm 2009 cho thấy, số cụ thọ trên 100 tuổi năm 2009 tăng hơn gấp đôi so với năm 1999, tăng từ trên 3.000 cụ tăng lên 7.200 cụ, cứ 1 triệu dân thì có 84 cụ thọ trên 100 tuổi.

Ở nhóm tuổi càng cao sự chênh lệch giới tính càng lớn, trung bình cứ 1 cụ ông 60+ thì có 1,5 cụ bà, cứ 1 cụ ông 80+ thì có 2 cụ bà và cứ 1 cụ ông 85+ thì có 2,5 cụ bà.

Do tỷ suất sinh giảm mạnh, tuổi thọ tăng đáng kể và xu hướng di cư của nhóm người tuổi trẻ từ nông thôn ra thành thị diễn ra mạnh mẽ, nên mô hình gia đình Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống nhiều thế hệ sang “gia đình hạt nhân”, con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ, dẫn đến việc số người có thể chăm sóc NCT trong hộ gia đình ngày càng giảm.

Theo kết quả Điều tra mức sống dân cư từ năm 1992 – 2008 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình có NCT sống cùng con cái giảm từ gần 80% xuống còn 62%. Tỷ lệ hộ gia đình có NCT sống cô đơn hoặc chỉ sống với vợ/chồng NCT lại tăng lên đáng kể. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ gia đình chỉ có ông, bà cao tuổi sống với cháu có xu hướng tăng. Trong số những NCT sống cô đơn thì chủ yếu là nữ và sống ở nông thôn; số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ; số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT.   

Hiện có hơn 70% NCT sống ở nông thôn, làm nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Mới chỉ có khoảng 25% dân số cao tuổi đang hưởng lương hưu và 20% dân số cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, còn phần lớn không hưởng bất kỳ một khoản nào.

Dân số đang biến đổi theo hướng già hóa nhanh trong khi các chính sách, chương trình chăm sóc NCT về sức khỏe, kinh tế còn thay đổi chậm, chưa thực sự thích ứng. Yếu tố “già hóa dân số” chưa được chú ý, lồng ghép trong hoạch định chính sách kinh tế – xã hội. Thực tế, khi NCT tăng lên về số lượng và tỷ lệ trong dân số thì chi phí cho hệ thống an sinh xã hội cũng tăng lên (chi phí cho quỹ lương hưu, chi phí cho bảo hiểm y tế, chi phí cho xây dựng hệ thống lão khoa…).

Công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong vấn đề “già hóa dân số”. Đây là vấn đề có tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống con người như tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ; sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư… Muốn vượt qua những thách thức nêu trên và sẵn sàng thích ứng với một xã hội già hóa dân số thì cần phải có sự chuẩn bị tích cực, đồng bộ cả về tư duy, nguồn lực, chính sách, cơ chế đối với NCT.
 
Hà Anh