Hội thảo chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2015 tại khu vực phía Nam:Thẳng thắn chia sẻ những vấn đề lớn của ngành

0
152

GiadinhNet – Hội thảo chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2015 khu vực phía Nam đã khai mạc sáng 1/7 tại Đồng Nai với sự tham dự của lãnh đạo ngành Dân số 29 tỉnh, thành. Nhiều vấn đề lớn của ngành đã được các đại biểu đặt ra và bàn thảo biện pháp tháo gỡ…

Cộng tác viên dân số cơ sở phát tờ rơi DS-KHHGĐ đến người dân. ảnh: Dương ngọc
Cộng tác viên dân số cơ sở phát tờ rơi DS-KHHGĐ đến người dân. ảnh: Dương ngọc

Lo lắng sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia khép lại

Tại Hội thảo hàng loạt vấn đề quan trọng của công tác dân số như: Tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm; Đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS giai đoạn 2011-2015, cũng như các phương án, giải pháp đảm bảo vấn đề này giai đoạn 2016-2020… được các đại biểu sôi nổi thảo luận.

Sau phiên làm việc sáng 1/7, đại biểu là lãnh đạo ngành Y tế, dân số 29 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã nắm bắt được hầu hết các nội dung quan trọng, thông điệp chính xác trong công tác DS-KHHGĐ mà Tổng cục DS-KHHGĐ muốn chuyển tải thông qua phần trình bày của các vụ chức năng.

Chiều cùng ngày, không khí Hội thảo trở nên sinh động hơn khi Ban tổ chức đưa ra hình thức thảo luận: Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành tập hợp thành “bàn tròn lãnh đạo” thảo luận, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân; Các trưởng phòng chức năng, giám đốc trung tâm dân số thuộc Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành tập hợp lại thành “hội trường vuông” thảo luận, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc. Hình thức thảo luận này đã tạo không gian chia sẻ thoải mái, thẳng thắn, chân tình cho người tham gia vì thế giúp nội dung thảo luận đậm tính thiết thực.

Tại khu vực “bàn tròn lãnh đạo”, có đại biểu đã thực sự lo lắng khi đặt vấn đề: “Sau năm 2015, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ khép lại, vấn đề này sẽ ra sao?”. Thực tế cho thấy, vị đại biểu này lo lắng là có cơ sở, bởi kinh phí hoạt động của ngành Dân số các tỉnh, thành hiện nay được cấp bởi hai nguồn là Trung ương và địa phương. Hiện có không ít địa phương cấp kinh phí hoạt động DS-KHHGĐ nhiều hơn kinh phí Trung ương cấp, nhưng cũng khá nhiều địa phương chưa thực hiện được vấn đề này, vẫn xem nguồn kinh phí Trung ương cấp là chủ lực. Trong bối cảnh kinh phí Trung ương cấp cho địa phương về công tác DS-KHHGĐ hoàn toàn từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ thì khi chương trình này khép lại đồng nghĩa với việc “hết tiền hoạt động”. Đến lúc đó, nhiệm vụ nặng nề được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 sẽ được triển khai ra sao?

Không riêng vị đại biểu này mà đối với hầu hết các đại biểu dự Hội thảo lần này đều thể hiện sự băn khoăn tương tự. Quả thực, bên cạnh những vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy, cung ứng dịch vụ KHHGĐ, hệ thống dữ liệu dân cư… mà các đại biểu rất quan tâm, thì “đáp án” cho câu hỏi nêu trên chính là chuyện “đại sự” của toàn ngành Dân số. Nhằm giải tỏa nỗi lo lắng, băn khoăn của các đại biểu tại khu vực “bàn tròn lãnh đạo”, ông Nguyễn Văn Tân đã “chốt” lại vấn đề, công tác dân số vẫn sẽ tiếp tục và nguồn kinh phí từ Trung ương cấp cho các địa phương phục vụ công tác dân số vẫn tiếp tục có sau năm 2015 và những năm tiếp theo. Theo ông Nguyễn Văn Tân, dòng ngân sách phục vụ sự nghiệp dân số vẫn hiện hữu khi ngân sách quốc gia được phân bổ, song với tên gọi và phương thức phân bổ sẽ khác so với hiện nay. Phó Tổng cục trưởng phụ trách cũng đề nghị các đại biểu của địa phương cần “gắng sức vận động nguồn kinh phí tại chỗ” để tập trung nâng cao cả số lượng lẫn chất lượng đối với các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng giống nòi trong thời gian tới.

Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp, hiệu quả

Tại khu vực “hội trường vuông” với hầu hết đại biểu rất sâu sát với hoạt động dân số tuyến quận/huyện, tuyến cơ sở xã/phường, nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề tổ chức bộ máy, chuyên môn nghiệp vụ, đặc thù công tác dân số tại các tỉnh, thành phía Nam, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất Trung ương hỗ trợ tháo gỡ…

Liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số, khi câu hỏi “làm thế nào phát huy năng lực, tăng cường hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số tuyến cơ sở” được đặt ra thì “hội trường vuông” sinh động hẳn. Không ít đại biểu đã đặt thẳng vấn đề, vì sao đến thời điểm này mà Trung ương vẫn chưa khẳng định và hướng dẫn địa phương thực hiện mô hình tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số phù hợp và hiệu quả hơn. Sở dĩ các đại biểu đặt câu hỏi trên bởi phía Tổng cục DS-KHHGĐ cùng Viện Chiến lược chính sách (Bộ Y tế) cách đây khá lâu đã tổ chức thu thập ý kiến địa phương liên quan đến mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp quận/huyện, cán bộ chuyên trách thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ nhưng làm việc tại UBND xã/phường (hiện có 13 tỉnh đang áp dụng) nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Trước sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu liên quan mật thiết đến mô hình tổ chức bộ máy công tác dân số, cũng là một phần đáp án cho câu hỏi “làm thế nào phát huy năng lực, tăng cường hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số tuyến cơ sở”, Phó Tổng Cục trưởng Lê Cảnh Nhạc đã động viên anh chị em cố gắng khắc phục và chia sẻ: Do Bộ Y tế và Bộ Nội vụ vẫn chưa thống nhất quan điểm liên quan đến Trung tâm y tế tuyến quận/huyện, khiến Thông tư chưa thể đi vào cuộc sống. Về mô hình tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số (như trên đã nêu) đều được liên Bộ Y tế – Nội vụ đồng thuận. Phó Tổng Cục trưởng Lê Cảnh Nhạc cũng khẳng định với các đại biểu rằng, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ đang nỗ lực hết sức mình để sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể đến các địa phương thực hiện mô hình tổ chức bộ máy công tác dân số, vốn được thực tế minh chứng tại 13 tỉnh, thành phố về tính phù hợp và hiệu quả trong thời gian qua.

Trong dịp này, các đại biểu cũng góp ý  để Tổng cục DS-KHHGĐ hoàn thiện Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ về quy định phương thức hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách.

Hội thảo chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2015 áp dụng phương thức thảo luận lý thú này sẽ được Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức vào ngày 7/7 tới tại Nghệ An với sự tham dự của đại biểu là lãnh đạo ngành Y tế, dân số các tỉnh, thành còn lại trên cả nước.

Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội