Cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho nhóm đối tượng vùng thiên tai ở Việt Nam: Hỗ trợ tận tình, chăm lo chu đáo

0
145

GiadinhNet – Theo thống kê mới nhất, dân số Việt Nam hiện đã là 91 triệu người, trong đó người dân tộc ít người chiếm gần 14%. Những đối tượng này sống tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, cao nguyên, vùng sâu vùng xa, hải đảo và ven biển… là nhóm người chịu sự tác động rất lớn bởi thiên tai. Việc đầu tư, hỗ trợ nhóm đối tượng vùng thiên tai vượt khó, nâng cao chất lượng sống luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm.

Tranh thủ giờ nghỉ của ngư dân, cán bộ dân số tỉnh Bình Định xuống tận các tàu cá để truyền thông KHHGĐ. Ảnh: D. Ngọc
Tranh thủ giờ nghỉ của ngư dân, cán bộ dân số tỉnh Bình Định xuống tận các tàu cá để truyền thông KHHGĐ. Ảnh: D. Ngọc

Hoàn thiện chính sách

Chủ đề chính của Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/ KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”- Đây chính là tiền đề để thúc đẩy công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho đồng bào dân tộc được cải thiện, nâng cao hơn nữa.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành  liên quan đã có nhiều chính sách, chiến lược và chương trình can thiệp hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên có một thực tế, đó là công tác DS-KHHGĐ ở vùng sâu, vùng xa so với vùng đồng bằng, thành thị vẫn còn khoảng cách lớn cần xóa bỏ. Điều này thể hiện ở những chỉ số về KHHGĐ/chăm sóc SKSS, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, số người nhiễm HIV, phá thai… giữa các vùng miền vẫn có sự khác biệt.

Hiện nay, các chính sách do Trung ương ban hành luôn thể hiện rõ quan điểm ưu tiên cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS cho các vùng dân tộc ít người. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần khắc phục. Trong hệ thống chính sách đã có những nội dung ưu tiên dành riêng cho nhóm dân số dễ bị tổn thương do thiên tai. Tuy nhiên đối tượng được hưởng lợi nhiều khi chưa rõ ràng. Một số chính sách chưa thực sự phù hợp với trình độ dân trí của người dân vùng sâu, vùng xa nên khi triển khai, hiệu quả chưa cao.

Rốt ráo triển khai các chính sách DS- KHHGĐ

Người dân vùng biển - một trong những đối tượng dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Ảnh: V. Cát
Người dân vùng biển – một trong những đối tượng dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Ảnh: V. Cát

Kết quả các cuộc điều tra chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy vẫn còn sự khác biệt giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi, cao nguyên, ven biển- là những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Những vấn đề trọng tâm của Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng có nhiều nội dung hướng đến nhóm người dễ bị tổn thương do thiên tai.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu là tổng tỷ suất sinh. Theo số liệu điều tra năm 2013, trong khi các vùng khác đều đạt mức sinh thay thế thì tại những vùng người dân dễ bị tổn thương do thiên tai đều cao trên mức sinh thay thế. Cao nhất là Tây Nguyên với tổng tỷ suất sinh xấp xỉ 2,5 con/1 phụ nữ. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm  2009, tổng tỷ suất sinh trên phạm vi toàn quốc khá thấp (2,09 con/1 phụ nữ), tổng tỷ suất sinh của nhóm dân tộc Kinh đã ở dưới mức sinh thay thế (1,95 con/1 phụ nữ), nhưng với nhiều nhóm dân tộc vẫn còn ở mức cao như: Thái: 2,2 con/1 phụ nữ, các dân tộc khác: 2,52 con/1 phụ nữ. Đặc biệt những vùng mà đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chỉ số này đáng giật mình: 4,96 con/1 phụ nữ.

Tuổi thọ bình quân là một trong những chỉ tiêu cơ bản phản ảnh sự phát triển của con người trong chỉ số tổng hợp HDI ( chỉ số phát triển con người) của Liên Hợp Quốc. Đây là chỉ tiêu mang tính chất tổng hợp phản ảnh sự chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống, sức khỏe của con người thông qua 3 chỉ số cơ bản: Thu nhập tính trên đầu người; Số năm học trung bình và tuổi thọ bình quân.

Chúng ta thường quan niệm là người dân tộc sống ở các vùng núi cao, dân cư thưa thớt, môi trường trong lành, tiêu dùng thực phẩm sạch nên tuổi thọ bình quân cao. Tuy nhiên, theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê  thì thực tế lại không phải như vậy. Tuổi thọ bình quân chung của cả nước là 73,1 tuổi. Trong khi đó tuổi thọ bình quân của người dân ở các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai đều thấp hơn mức chung của toàn quốc. Miền núi phía Bắc: 70,4, Tây Nguyên: 69,5 tuổi. Những vùng đồng bằng với tỷ lệ đa số người Kinh sinh sống đều có tuổi thọ trung bình cao hơn mức chung, đặc biệt vùng Đông Nam bộ cao nhất cả nước với tuổi thọ bình quân là 75,7 tuổi.

Từ năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng- Đây là giai đoạn tỷ trọng dân số trẻ dưới 15 tuổi ít hơn 30% và tỷ trọng dân số 65 tuổi trở lên ít hơn 15% dân số toàn toàn quốc. Mặc dù vậy tỷ trọng dân số trẻ của 3 vùng dễ bị tổn thương do thiên tai vẫn còn rất cao. Miền núi phía Bắc là 39,3%; vùng Duyên hải miền Trung là 34,4%. Đặc biệt là Tây nguyên là 43,7%. Tổng tỷ suất sinh hiện tại của các nhóm người dân tộc có sự khác biệt lớn. Nhóm dân tộc Nùng, Thái và nhóm các dân tộc khác có tỷ lệ người phụ thuộc lớn hơn mức chung của toàn quốc. Nhóm người Mông với tổng tỷ suất sinh là gần 5 con/1 phụ nữ thì tỷ lệ người phụ thuộc lớn gấp khoảng 2,5 lần mức chung của toàn quốc. Như vậy phần lớn các nhóm dân tộc dễ bị tổn thương do thiên tai vẫn chưa được hưởng lợi từ cơ cấu dân số vàng, cho dù những vùng này đang rất cần lực lượng lao động trẻ.

Nguy cơ mất cân bằng giới tính giữa các vùng miền

Già hóa dân số được thể hiện qua chỉ số già hóa tính cho nhóm người 60 tuổi trở lên hoặc nhóm người 65 tuổi trở lên.Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (sớm trước 6 năm so với dự báo). Theo tính toán của các chuyên gia: Với tổng tỷ suất sinh cao, dân số trẻ thì nếu chỉ số già hóa của nhóm dân tộc Kinh khoảng 32,4 thì những nhóm người dân tộc chỉ bằng một nửa như nhóm người Thái (16,9), nhóm các dân tộc khác (16,6) đặc biệt là nhóm người Mông chỉ bằng khoảng một phần năm (7,4). Trong khi nhiều nhóm dân tộc, chỉ số này cũng chỉ bằng hai phần ba so với nhóm dân tộc Kinh. Điều này càng khẳng định các nhóm dân tộc dễ bị tổn thương do thiên tai vẫn có cơ cấu dân số trẻ, chưa được hưởng lợi từ cơ cấu dân số vàng.

Hiện nay, tỷ số giới tính chung của cả nước là 98,2 và tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 thì những vùng dễ bị tổn thương do thiên tai đều cao hơn. Vùng trung du miền núi phía Bắc là 99,3. Tây Nguyên là 104,4. Ước lượng cho nhóm người Kinh là 96,7 thì tỷ số giới tính của nhiều nhóm dân tộc dễ bị tổn thương do thiên tai đều cao: Thái (99,6); Mông (101,1); Mường (101, 8); Nùng (101,9) và nhóm các dân tộc khác là 99,5. Nguy cơ hiện hữu về mất cân bằng giới tính ở các nhóm dân tộc là rất cao. Điều này cho thấy sự cần thiết của truyền thông DS-KHHGĐ ở các vùng sâu vùng xa. Công tác này phải được duy trì đều đặn, thường xuyên, các địa phương không được chủ quan, lơ là.

Vì sự an toàn của mỗi  bà mẹ, em bé

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất (mục tiêu 5B) của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là: “Đạt được tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản vào năm 2015”. Nhiều năm trước, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) cũng đã kêu gọi tiếp cận, phổ cập sức khỏe sinh sản vào năm 2015, bao gồm KHHGĐ tự nguyện, hỗ trợ sinh sản, dự phòng nhiễm khuẩn qua đường tình dục, phòng tránh HIV/AIDS.

Hiện nay có khoảng 215 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển muốn tránh thai, lập kế hoạch mang thai nhưng lại thiếu các phương tiện tránh thai hiện đại. Điều này đơn giản là do các biện pháp KHHGĐ an toàn, có thể chi trả, tiếp cận được không sẵn có để đáp ứng nhu cầu của họ.

TS Nguyễn Quốc Anh  – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ – Bộ Y tế)