Các bộ, ban, ngành, đoàn thể với công tác DS-KHHGĐ

0
95
Theo GiadinhNet – Thành công của công tác DS-KHHGĐ trong năm 2015 cũng như trong hơn nửa thế kỷ qua là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Sự gắn kết chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể đã cùng đồng hành, giúp ngành Dân số hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Truyền thông khắc phục tình trạng mất cân bằng GTKS là một trong những hoạt động được triển khai mạnh mẽ nhất trong năm 2015 của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể. Ảnh: Dương Ngọc

Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2015, công tác truyền thông vận động – mũi nhọn của công tác DS-KHHGĐ đã được các bộ, ngành, đoàn thể tại Trung ương phối hợp tích cực, bám sát định hướng của ngành Dân số, tạo nên một sức mạnh tổng hợp góp phần vào thành công của công tác DS-KHHGĐ.

Trong đó, các hoạt động truyền thông vận động đối với các ngành Công an, Bộ Quốc phòng được đẩy mạnh. Trong thời gian gần đây, Tổng cục đã phối hợp với Cục Y tế (Bộ Công an) tổ chức hai buổi tập huấn, một hội thảo cho cán bộ lãnh đạo Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tại các cơ sở trong toàn lực lượng về công tác DS-KHHGĐ với gần 300 đại biểu là cán bộ trong ngành tham dự. Tổ chức khám sức khỏe và thực hiện KHHGĐ cho hơn 2.000 các cán bộ và nhân dân nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7) và Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12). Phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (Bộ Quốc phòng) tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác DS-KHHGĐ cho 120 cán bộ cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp tham gia công tác DS-KHHGĐ, 190 buổi hội nghị lồng ghép truyền thông về DS-KHHGĐ tại 40 đơn vị, 4 buổi mít tinh tại 4 đơn vị nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7), Tháng Hành động nhân ngày Dân số Việt Nam (26/12)… sản xuất và nhân bản tờ rơi và sách mỏng về công tác DS-KHHGĐ để phát cho các đối tượng đích của chương trình. Tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả 3 mô hình: Mô hình “Nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp trong toàn quân đối với công tác DS-KHHGĐ; mô hình “Bộ đội giúp dân thực hiện công tác DS/SKSS/KHHGĐ tại các cơ sở quân y đóng quân ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, mô hình “Bộ đội giúp dân thực hiện công tác DS/SKSS/KHHGĐ tại các cơ sở quân y đóng quân ở khu vực biển, hải đảo và ven biển”.

Đối với các ban, ngành, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ cũng được đẩy mạnh. Trong đó phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn tại Bắc Ninh, tọa đàm cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động tại Bình Định, thu hút gần 5.000 đoàn viên công đoàn tham dự với các nội dung về phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, KHHGĐ; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Hội LHPN Việt Nam và Đoàn TNCS HCM cũng đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kiến thức kỹ năng. Năm 2015, Hội LHPN Việt Nam  đã tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm về kiến thức và kỹ năng để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ cho 120 cán bộ tại Điện Biên và Lào Cai; 3 buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề ở 3 tỉnh có CLB. Riêng Đoàn TNCS HCM tổ chức hội thảo, diễn đàn cho gần 3.000 đoàn viên, thanh niên tại khu công nghiệp Hải Dương, sản xuất 300 sổ tay hỏi đáp và 250 cẩm nang về công tác DS-KHHGĐ.

Khắc phục tình trạng mất cân bằng GTSK

Đây là một trong những hoạt động được triển khai mạnh mẽ nhất trong năm 2015 của các bộ, ban, ngành, đoàn thể. Riêng MTTQ Việt Nam đã tổ chức hai hội nghị góp ý vào Dự thảo Luật Dân số tại TP Hà Nội và TPHCM, tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm chức sắc Phật giáo tham gia khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) của 7 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hà Nội với gần 600 đại biểu tham dự. Trong năm 2015, Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng GTKS hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) được cập nhật trên tờ Thông tin công tác Mặt trận và trang Thông tin điện tử MTTQ Việt Nam. Mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng GTKS” tại tỉnh Nam Định và mô hình: “Gia đình Phật giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng GTKS” tại tỉnh Hải Dương và Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh và có kết quả khả quan.

Để tăng cường công tác truyền thông nhằm ngăn ngừa, giảm tình trạng mất cân bằng GTKS, ngành Dân số đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì mô hình đưa nội dung mất cân bằng GTKS, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào chương trình giáo dục trong hệ thống các trường THPT của 10 tỉnh có tỷ số GTKS cao… Đồng thời tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì sinh hoạt định kỳ các mô hình, cụm, ấp không sinh con thứ 3 trở lên,  các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, CLB phụ nữ giúp nhau phát triển, CLB SKSS, CLB tiền hôn nhân, CLB gia đình trẻ; CLB SKSS VTN/TN; CLB cha và con trai; CLB bà mẹ mang thai; CLB nam ngư dân; CLB người cao tuổi; CLB gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi… Tổ chức các buổi truyền thông lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố về mất cân bằng GTKS, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc SKSS VTN/TN, tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai.

Trong năm 2015 cũng như trong cả giai đoạn 2011 – 2015, ngành Dân số đã triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Đề án Kiểm soát dân số vùng biển đảo, ven biển. Trong đó có các hoạt động  phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn, tổ chức diễn đàn, nói chuyện chuyên đề… tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh; mất cân bằng GTKS; phòng tránh phá thai và phá thai an toàn; phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; tư vấn tiền hôn nhân cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, người lao động trong các nghiệp đoàn nghề cá tại 5 tỉnh: Quảng Trị, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang và Cà Mau.

Phối hợp với Cục Quân y – Bộ Quốc phòng đã triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn tại địa bàn các huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); huyện đảo Phú Quốc, Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang) và TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội