Công tác DS- KHHGĐ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước

0
155

Theo GiadinhNet – “Năm 2015 là năm bản lề của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020.

Nửa chặng đường đã qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan song cũng đối diện với nhiều thách thức. Bây giờ là lúc chúng ta cần tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược đã đề ra và về đích một cách thành công nhất” – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về những việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

 

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ. Ảnh: Chí Cường

Duy trì mức sinh hợp lý, giữ vững mức sinh thay thế

Chiến lược DS&SKSS giai đoạn 2011 – 2020 đã đi được nửa chặng đường, xin ông cho biết chúng ta đã đạt được những thành công quan trọng nào cho công tác DS-KHHGĐ thời gian qua?

– Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản (DS&SKSS) giai đoạn 2011 – 2020. Có thể nói đây là đường lối, định hướng rất rõ nét cho những người làm công tác dân số trong 5 năm qua và 5 năm tiếp theo.

Chiến lược đã chỉ rõ sự chuyển hướng bao quát, toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực của công tác dân số đó là: tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và  kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh.

Trong 5 năm qua (2011 – 2015), ngành DS-KHHGĐ đã nỗ lực bám sát đường lối của Chiến lược. Các hoạt động của mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng đạt được kết quả khả quan. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được mở rộng từ 11 tỉnh, thành phố lên 63/63 tỉnh, thành phố. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng, tăng tỷ lệ trẻ em được can thiệp điều trị sớm các bệnh, dị tật bẩm sinh…

Ngành Dân số đã có những đề xuất tham mưu để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng. Đặc biệt là có sự uyển chuyển linh hoạt trong việc điều chỉnh tốc độ tăng dân số, tiếp tục giữ vững mức sinh thay thế. Với nỗ lực tăng cường tuyên truyền, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã có dấu hiệu giảm. Nếu năm 2013, tỉ số giới tính khi sinh là 113,8 thì năm 2014, tỉ số này đã giảm xuống 112,2 và năm 2015 ước tính là giảm hơn so với năm 2014. Những thành tích đạt được của ngành Dân số trong hơn nửa thế kỷ đã tiếp tục được phát huy trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, phát triển kinh tế – xã hội; góp phần vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới; góp phần đạt các Mục tiêu của Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD) của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (TFR – số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, vậy chúng ta đã làm thế nào để điều chỉnh tốc độ tăng dân số, thưa ông?

– Đúng là mức sinh vẫn còn sự khác biệt giữa các vùng, miền. Nếu các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, phía Tây của các tỉnh miền Trung tỷ suất sinh còn cao, trung bình có tới trên 3 con và số sinh con thứ ba khá lớn, thì vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp đáng phải lưu ý.

Năm 2011 có 29/63 tỉnh/thành chưa đạt mức sinh thay thế; năm 2012 còn 38/63 tỉnh, thành phố, năm 2013 là 33/63 tỉnh thành. Dự kiến đến năm 2015 còn 30/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 10 tỉnh mức sinh đang rất cao (mức sinh lớn hơn 2,5 con). Trong số các vùng kinh tế của Việt Nam vẫn còn 3 vùng chưa đạt mức sinh thay thế: Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, khoảng 1,5 – 1,6 con. Riêng TP HCM có mức sinh rất thấp. Năm 2013, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ tại thành phố này chỉ sinh 1,33 con. Đây là điều rất đáng xem xét. Nếu để mức sinh xuống quá thấp, chúng ta sẽ không có được cơ cấu dân số hợp lý, làm cho quá trình già hóa dân số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn. Nếu mức sinh quá thấp trong một xã hội thích con trai sẽ càng làm cho vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở lên trầm trọng hơn và hệ lụy sẽ rất nặng nề cho sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.

Để làm được điều đó, ngành Dân số đã có sự linh hoạt về chính sách: Với các tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế cần hạ mức sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Những tỉnh, thành phố mức sinh đã xuống thấp như TP HCM cần duy trì để mức sinh không giảm nữa, rồi từng bước nâng dần lên. Bắt đầu từ năm 2013, thông điệp dân số cũng có sự thay đổi từ “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con” chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con”. Khẩu hiệu mới về cơ bản không thay đổi so với khẩu hiệu trước mà chỉ bao gồm hàm ý cần duy trì mức sinh hợp lý, không để mức sinh giảm xuống quá thấp đối với một số địa phương như TP HCM và một số tỉnh xung quanh. Đây cũng không phải là sự nới lỏng về chính sách dân số, không khuyến khích các gia đình có nhiều con mà hãy “sinh  2 con”, nhất là với những người đã sinh một con và ở những vùng có mức sinh thấp.

Hiện thực hóa việc tận dụng cơ cấu dân số vàng

 

Tuyên truyền công tác dân số đến người dân vùng biển đảo. Ảnh: T.L

Với lợi thế có 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% tổng dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tăng trưởng. Tuy nhiên, làm thế nào để biến “cơ hội vàng” này thành “lợi tức” là một thách thức lớn.  Mới đây, Báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” cho thấy Việt Nam chỉ có thể có “dư lợi” dân số tới năm 2018, nếu năng suất lao động không thay đổi. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

– Đây đúng là một thông tin đáng để chúng ta lưu ý. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn cơ hội “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, nên đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số cho tăng trưởng kinh tế.

Kết quả từ báo cáo này cho thấy: Theo vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14 – 31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi 90. Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2012 cho thấy, dân số trong độ tuổi 23 – 53 tạo ra thặng dư khoảng 632.000 tỉ đồng, trong khi dân số trong độ tuổi 0 – 23 và từ 54 tuổi trở lên tương ứng tạo thâm hụt khoảng 552.000 tỉ đồng. Tổng cộng cho toàn bộ dân số thì mức thâm hụt là khoảng 109.000 tỉ đồng. Để bù đắp cho phần thâm hụt này thì một phần được chia sẻ từ nguồn thặng dư do nhóm dân số tuổi từ 23 – 53 tạo ra và phần khác là từ các khoản chuyển giao khác. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách để tận dụng được cơ hội “dân số vàng” và thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ không thể tận dụng được cơ hội “dân số vàng” trong dân số nếu không cải thiện được năng suất lao động; nguy cơ vỡ quỹ hưu trí khi số người cao tuổi ngày một tăng; hệ thống chăm sóc và an sinh xã hội cho người cao tuổi còn thiếu và yếu. Những điều đó sẽ tác động không nhỏ tới việc nhiều người vẫn khát sinh con trai làm chỗ dựa, làm sợi dây “bảo hiểm tuổi già”, khiến cho việc giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh càng khó khăn.

Để thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là tận dụng cho được lợi thế “dân số vàng” để tăng năng suất lao động không chỉ là sự hô hào mà cần phải được hiện thực hóa càng nhanh càng tốt.

Củng cố vững mạnh hệ thống ngành Dân số

 

Phát tờ rơi về chăm sóc SKSS cho ngư dân. Ảnh: T.L

Xin ông cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, ngành Dân số sẽ tập trung vào những giải pháp nào để thực thiện thành công Chiến lược DS&SKSS giai đoạn 2016- 2020?

– Trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác dân số cần tập trung giải quyết một số vấn đề chính, như duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế, đặc biệt tại những nơi có mức sinh thấp. Đồng thời, đẩy mạnh việc giảm sinh trên những địa bàn còn ở mức sinh cao; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên; chú trọng việc chăm sóc SKSS, tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên; tăng cường sàng sọc trước sinh, sơ sinh… góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững đất nước; tận dụng lợi thế “cơ cấu dân số vàng” để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi để góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong thời gian tới, ngành Dân số phải gắn kết hơn nữa, tạo sự đồng tâm hiệp lực từ Trung ương đến địa phương, với sự đồng lòng nhất trí của toàn thể cán bộ ngành Dân số, với sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể nhằm đạt kết quả, chỉ tiêu mà Chiến lược DS&SKSS đã đề ra; tiến tới thực hiện nhiều thành công trong lĩnh vực nâng cao chất lượng dân số.

Để làm tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi hệ thống ngành Dân số phải củng cố ngày càng vững mạnh hơn, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cần tiếp tục được nâng cao  trình độ kỹ năng tuyên truyền vận động và quản lý. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục được đầu tư xứng đáng hơn nữa để công tác DS-KHHGĐ đạt được mục tiêu đề ra – từ số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng.

Nhân dịp năm mới, Tết cổ truyền Bính Thân 2016, ông có nhắn gửi gì tới toàn thể cán bộ ngành Dân số cũng như các ban, ngành, đoàn thể có sự gắn kết với ngành trong suốt những năm qua?

– Công tác DS-KHHGĐ có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Những việc ngành Dân số làm ngày hôm nay thì tới 15 – 20 năm sau mới nhận được thành quả hoặc hệ lụy, nếu ta làm tốt hoặc không tốt. Do đó, sẽ thực sự là thảm họa nếu không đảm bảo được nòi giống, sự trường tồn của một quốc gia, một dân tộc để phát triển bền vững.

Nhân dịp năm mới, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, tới các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành cùng sự nghiệp dân số trong suốt những năm qua, hy vọng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự nhiệt tình ủng hộ trong những năm sắp tới; tôi cũng xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác dân số ở từng thôn, xóm, bản làng, phum, sóc,… lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc cho sự nghiệp DS-KHHGĐ đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; xứng đáng với truyền thống của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Những thành công đạt được

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII); mức sinh thay thế duy trì liên tục trong 9 năm gần đây. Hiện nay, số con trung bình trên một phụ nữ của Việt Nam (2,09 con) đứng thứ 4 trong khu vực, sau Singapore, Thái Lan và Brunei. Bên cạnh đó, mô hình gia đình ít con ngày càng được đông đảo người dân chấp nhận. Vì thế, quy mô dân số của Việt Nam đã chuyển từ vị trí thứ 2 sang vị trí thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm. Trong vòng hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn của Chương trình DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế – xã hội của đất nước, đóng góp đáng kể vào việc tăng GDP bình quân đầu người từ 140USD/người năm 1992 lên 1.540 USD/người năm 2012 (gấp hơn 10 lần).

Chất lượng dân số của Việt Nam trong những năm qua được nâng lên rõ rệt. Tuổi thọ trung bình ngày càng cao. Trong nửa thế kỷ (từ 1960 đến 2010), tuổi thọ trung bình của thế giới tăng 21 tuổi (từ 48 lên 69 tuổi), trong khi của Việt Nam tăng 33 tuổi (từ 40 lên 73 tuổi). Đến năm 2014, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt 73,2 năm.

Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hội