Chăm lo hôm nay – gìn giữ cho ngày mai

0
85

GiadinhNet – Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về tình trạng tử vong của thế giới năm 2013 (World Mortality Report 2013), tuổi thọ trung bình hiện nay của con người là khoảng trên 70 tuổi. Một số quốc gia có tuổi thọ trung bình rất cao (gần 84 tuổi) như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Australia… Ngược lại, có những vùng đất mà đời người rất ngắn ngủi (bình quân chỉ ngoài 40 tuổi). Ở những quốc gia này, công tác đầu tư chăm sóc, nuôi nấng trẻ em, vị thành niên/thanh thiếu niên không được tốt nên hậu quả nhãn tiền là chất lượng sống, tuổi thọ của người dân càng giảm. Điều này cho thấy, công tác chăm lo cho thế hệ trẻ rất quan trọng với bất kỳ quốc gia nào!

được học hành, vui chơi, được bảo vệ - quyền của tất cả trẻ em. Ảnh: T.L
được học hành, vui chơi, được bảo vệ – quyền của tất cả trẻ em. Ảnh: T.L

Chất lượng sống của đa số người dân đã được cải thiện

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới đã tăng từ 46,9 (giai đoạn 1950-1955) lên 70 tuổi (giai đoạn 2010-2015). Tuổi thọ của nam giới tăng từ 45,9 lên 67,8 tuổi, còn nữ giới tăng từ 47,9 lên 72,3 tuổi. Trung bình mỗi thập kỷ, nam giới tăng lên 3,65 tuổi, còn nữ giới tăng lên 4,06 tuổi. Tuổi thọ trung bình của các nước phát triển hiện nay là 77,7 tuổi, các nước đang phát triển là 68,3 tuổi.

Nhân loại đã đạt được những tiến bộ to lớn trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng vệ sinh, nước sạch và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nếu như năm 1950, cứ 1.000 trẻ sinh ra sống có gần 135 trẻ dưới 1 tuổi tử vong thì đến nay, con số đó chỉ còn gần 37. Tương tự, tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi cũng giảm từ gần 215 trẻ tử vong xuống còn 52 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống.

Trên thế giới, tuổi thọ trung bình hiện nay cao nhất thuộc về vùng Bắc Mỹ (79,1 tuổi), tiếp đến là châu Đại Dương: 77,6 tuổi, châu Âu: 76,1. Vùng có tuổi thọ thấp nhất là châu Phi với 58,2 tuổi, cách xa khu vực đứng liền kề theo thứ tự từ dưới lên là châu Á tới 13,2 tuổi và 20,9 tuổi so với khu vực đứng đầu bảng (Bắc Mỹ).

Từ 201 quốc gia và vùng lãnh thổ, Liên Hợp Quốc đã đưa ra bảng tổng sắp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có tuổi thọ bình quân cao nhất (từ 81,7 đến 83,5 tuổi) là Nhật Bản, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Australia, Italia, Singapore, Iceland, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Israel.

Nếu như năm 1950, Nhật Bản chưa xuất hiện trong danh sách 10 nước đứng đầu thế giới thì kể từ năm 1990 đến nay, Nhật Bản luôn dẫn đầu danh sách. Trong khi đó, Iceland từ vị trí đứng đầu năm 1950 (72 tuổi) xuống vị trí thứ 7 năm 2010 (82 tuổi). Các nước như: Norway, Netherlands, Đan Mạch, New Zealand, Anh, Channel Islands đã rời khỏi bảng xếp hạng để nhường chỗ cho các quốc gia khác.

Hậu quả nhãn tiền của việc không chăm sóc chu đáo thế hệ trẻ

Ảnh: T.L
Ảnh: T.L

Ngược lại với danh sách 10 nước đứng đầu thế giới, Liên Hợp Quốc cũng điểm danh 10 nước đứng cuối bảng xếp hạng với tuổi thọ trung bình chỉ là 51,7 đến 45,3 tuổi, lần lượt là (từ thấp đến cao): Sierra Leone, Botswana, Swaziland, Lesotho, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Côte d’Ivoice, Chad và Angola.

Cộng hòa Sierra Leone có diện tích 72.300km2 với dân số chưa đầy 6 triệu người, bình quân 83 người/km2. Thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là 580$/người năm 2011. Tỷ lệ dân đô thị chiếm tới gần 40%. Tỷ lệ gia tăng dân số hiện nay là 2,1%, trung bình mỗi phụ nữ Sierra Leone trong độ tuổi sinh đẻ có 4,7 con.

Mặc dù có nhiều con như vậy, nhưng kết quả Điều tra Nhân khẩu, Sức khỏe năm 2013 (DHS 2013), một cuộc điều tra rất uy tín dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan Liên Hợp Quốc cho thấy: Chỉ có 49% phụ nữ Sierra Leone đã có 5 con hoặc đang mang thai con thứ 5 là không mong muốn có thêm con và cũng chỉ có 69% người trả lời như vậy khi đã có 6 con hoặc đang mang thai con thứ 6.

Tỷ lệ phụ nữ 15 – 49 tuổi có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai rất thấp (17% ở thành thị, ở nông thôn là 13%) theo điều tra DHS 2013. Phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp thì tỷ lệ thuận với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp (chỉ có hơn 10%).

Cuộc sống ngay từ khi còn trẻ không được chăm sóc chu đáo; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, số con đông, số lần mang thai và sinh nở nhiều, tất yếu làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong cho bà mẹ và trẻ em cũng như chi phí y tế cho việc này.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới và Liên Hợp Quốc cho thấy, cứ 1.000 trẻ Sierra Leone sinh ra sống thì có tới 104 trẻ dưới 1 tuổi tử vong – tức là cứ 10 em sinh ra thì ít nhất có 1bé tử vong.

Con số này tương đương với mức trung bình của thế giới từ nửa thế kỷ trước. Tỷ số tử vong bà mẹ cũng rất lớn, lên đến 890 bà mẹ/100.000 trẻ đẻ sống. Hầu hết các trường hợp tử vong ở Sierra Leone có nguồn gốc từ các bệnh lây nhiễm cộng đồng. Điều đó cho thấy, công tác chăm sóc vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại Sierra Leone còn rất kém. Số liệu của UNICEF cho thấy, chỉ có 55% dân số Sierra Leone được đảm bảo nguồn nước sạch và chỉ có 13% được đảm bảo các điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Tuổi thọ trung bình được tính từ nhóm tuổi 0 đến nhóm dân số có số tuổi cao nhất. Do vậy, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi có tác động rất lớn tới tuổi thọ trung bình. Kỳ vọng sống của nhóm tuổi 60 của Sierra Leone cũng ở mức thấp: 12,5 năm, trong khi trung bình của thế giới hiện nay là 20 năm. Sự suy giảm tuổi thọ đã làm cho Lesotho phải quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay là 70 tuổi, cao nhất thế giới. Điều đó cũng có nghĩa rất nhiều người trong số họ chưa kịp nghỉ hưu đã tử vong!

Nhu cầu về các dịch vụ KHHGĐ vẫn rất cao

Một điều dễ dàng nhận thấy, toàn bộ 10 nước có tuổi thọ thấp nhất thế giới nói trên đều thuộc châu Phi, khu vực có tuổi thọ thấp nhất thế giới (58,2 tuổi). Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, một sự thật đáng buồn hơn là trong khi tuổi thọ thế giới ngày càng được tăng lên thì tại một số quốc gia châu Phi, tuổi thọ lại giảm đi.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ở châu Phi đã giảm từ 187,2%o năm 1950 xuống còn 63,6%o hiện nay nhưng vẫn rất cao và cao nhất thế giới (châu Âu: 5,8%o, Bắc Mỹ: 6%o). Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi ở châu Phi cũng cao nhất thế giới với 100,6%o, trong khi các khu vực khác của thế giới chỉ còn trên 30%o – 7%o.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong vòng 28 ngày tuổi, cứ 1.000 trẻ châu Phi sinh ra sống thì có 34 trẻ tử vong.

Số liệu kế hoạch hóa gia đình trên toàn thế giới của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ cho thấy, châu Phi là châu lục có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai thấp nhất thế giới với 33%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại châu Phi, cứ 100.000 trẻ sinh ra sống thì có gần 500 bà mẹ tử vong. Cũng bởi vậy, nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ở châu Phi là rất cao (tới 24%). Đặc biệt tại một số nước như: Liberia, Togo, Uganda, Sao Tome and Principe… nhu cầu này lên tới gần 40%. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, chỉ có hơn 60% dân số châu Phi được sử dụng nước sạch và chỉ có 34% dân số được sống trong môi trường đảm bảo vệ sinh.

ThS Lương Quang Đảng