GiadinhNet – Sáng 24/12, Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TP.HCM đã long trọng tổ chức Hội nghị hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm 60 năm Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề “60 năm ngành Dân số – Vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Tham dự hội nghị có ông Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan và đông đảo cán bộ dân số tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM trình bày ý nghĩa ngày Dân số Việt Nam 26/12. Đồng thời triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025 và báo cáo kết quả thực hiện công tác dân số năm 2021.
“Kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Dân số Việt Nam là dịp để ôn lại lịch sử của ngành với những năm tháng đầy khó khăn. Chúng ta tự hào về những thành tích đã đạt được, nhận rõ những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, khẳng định ý chí quyết tâm vươn lên, cùng nhau đoàn kết, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao”, ông Phạm Chánh Trung cho biết.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cho hay, TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Cụ thể, về quy mô dân số, tốc độ tăng dân số của TP.HCM trong giai đoạn 2009-2019 là 2,3% (thấp hơn so với giai đoạn 1999-2009 là 3,5%) đã góp phần làm cho quy mô dân số tăng chậm. Điều này phần nào làm giảm các áp lực về vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm…, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tổng tỷ suất sinh đang có xu hướng tăng trở về mức hợp lý mặc dù còn khá thấp, năm 2020 tổng tỷ suất sinh là 1,53 con/phụ nữ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm bình quân đạt trên 60%.
Về cơ cấu dân số, TP.HCM đã kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức 106 đến 108 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Về chất lượng dân số, TP.HCM thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
Năm 2020, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 88,57%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 85,38%. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân ở TP.HCM ở mức khá cao. Đó là 76,6 tuổi, so với cả nước 73,6 tuổi (kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 01/4/2019).
Cũng dịp này, đại diện Sở Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những năm gần đây, ngành dân số TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó là, năm 2020, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM là 1,53 con, có xu hướng tăng so với năm 2019 là 1,39 con nhưng số liệu ghi nhận này vẫn cảnh báo về tình trạng mức sinh thấp rất thấp của thành phố.
Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng dân số trong quá trình triển khai chưa có sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần, … cho người dân. Người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, nên thiếu sự chủ động và sẵn sàng khi tham gia việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người dân TP.HCM. Trong đó, đối với công tác dân số đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cần phải chuẩn hóa nguồn dữ liệu dân cư trong bối cảnh biến động dân số thường xuyên, liên tục tại thành phố.
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng ghi nhận và biểu dương những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa của ngành dân số TP.HCM. Qua những kết quả đạt được của ngành dân số TP.HCM trong giai đoạn qua, Tổng cục DS-KHHGĐ ghi nhận những nỗ lực triển khai và kết quả đạt được trên mọi mặt của công tác dân số.
Thứ nhất đó là, nhu cầu về sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được đáp ứng và có chất lượng. Tỷ lệ các cặp vợ chồng có dùng phương pháp tránh thai đạt ở mức cao trên 60%.
Thứ hai đó là việc thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã có chuyển biến tích cực, thể hiện tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 là 106-108 bé trai/100 bé gái.
Thứ ba đó là chất lượng dân số người dân TP.HCM từng bước được nâng cao, thể hiện ở tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt gần 90%.
“Ngoài những kết quả thực hiện tốt các chỉ tiêu của công tác DS-KHHGĐ, chúng tôi đánh giá cao việc tham mưu của Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM để Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM ban hành các chương trình, các đề án, các kế hoạch dân số trong tình hình mới của Việt Nam đến năm 2030 tại TP.HCM, giai đoạn 2021-2025”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bằng khen cho tập thể Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM có thành tích xuất sắc trong công tác Dân số giai đoạn 2016-2020. Đồng thời Tổng cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế TP.HCM dịp này cũng trao tặng giấy khen, kỷ niệm chương cho các tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.