Ngày Dân số thế giới năm 2023: Giáo dục bình đẳng giới từ những điều đơn giản nhất

0
61

Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân nhân Ngày Dân số thế giới năm 2023 (11.7), Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trung nhấn mạnh, để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới và phát huy sức mạnh của bình đẳng giới phải giáo dục bình đẳng giới từ những điểu đơn giản nhất.

– Hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Nguồn gốc của vấn đề này phải chăng chính là bất bình đẳng giới, thưa ông?

– Tại Báo cáo về tình trạng Dân số năm 2023, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc công bố: hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua. Hơn 40% phụ nữ trên thế giới không thể tự quyết định về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền về sức khỏe sinh sản của mình. Điều này đã tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh của chúng ta. Từ đó, làm cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và phát triển.

Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trung

Tại Việt Nam, các chính sách về dân số đều đang hướng đến mục tiêu dân số và phát triển, và tất nhiên bình đẳng giới là một trong những nội dung trọng tâm trong chính sách này. Cụ thể, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản nêu rõ: quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Thông điệp ngày Dân số Thế giới 11.7 năm 2023 với chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” cho thấy, sự đồng thuận của chính phủ các quốc gia trên thế giới trong tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với những tiềm năng vô hạn trong sự phát triển bền vững.

– Phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, tiếng nói của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời đóng vai trò lớn đối với việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. Phụ nữ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói rằng, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có vai trò rất lớn.

Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, cùng các thành viên trong gia đình xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động và sáng tạo và đây là nguồn nhân lực rất lớn để phát triển đất nước.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức đối với công tác bình đẳng giới

Về phía gia đình, nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Gia đình là nơi thể hiện thực chất sự bình đẳng và nâng cao địa vị của người phụ nữ và việc phụ nữ được bình đẳng đóng vai trò lớn đối với việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình cũng là một biểu hiện tích cực và tạo nên nhiều hy vọng cho sự phát triển của chính gia đình, xã hội và đất nước.

– Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2023 với chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”, Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TP. Hồ Chí Minh đã có những hoạt động gì, thưa ông?

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2023, ngành Dân số TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai tập trung các hoạt động Truyền thông – Giáo dục về Dân số và Phát triển, cụ thể:

Tuyên truyền phổ biến chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác Dân số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố theo định hướng Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017; Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 2.10.2020 của Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị Quyết 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới.

Tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng Dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2023. Các hoạt động của Chiến dịch nhằm giúp cho người dân TP. Hồ Chí Minh được tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc tổ chức cao điểm tuyên truyền nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” để góp phần giải quyết tình trạng mức sinh thấp của Thành phố.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về một số nội dung trọng tâm Ngày Dân số Thế giới 11.7 năm 2023 theo tài liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cung cấp. Tăng cường tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ, trẻ em gái; tuyên truyền về tác hại của phá thai, tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao.

Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển. Kết hợp với các trường học trên địa bàn Thành phố để nâng cao chất lượng giáo dục khoa học giới, dân số trong hệ thống nhà trường để thanh niên, thiếu niên có những nhận thức hiểu biết nhất định về kiến thức giới, dân số, sức khỏe sinh sản…

Tăng cường tuyên truyền tại trường học về xoá bỏ bất bình đẳng giới

– Vậy, theo ông, để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, từ đó phát huy sức mạnh của bình đẳng giới cần triển khai những hoạt động, giải pháp cụ thể gì?

– Để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới và phát huy sức mạnh của bình đẳng giới phải giáo dục bình đẳng giới từ những điểu đơn giản nhất như bảo đảm các vấn đề về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục ở các vùng, miền.

Đồng thời, khuyến khích sự chia sẻ của nam giới trong công việc nhà và trách nhiệm xã hội thông qua việc xây dựng các mẫu hình bình đẳng giới của gia đình thông qua truyền thông và quảng cáo. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đặc biệt cần sử dụng các hình thức truyền thông và thông điệp truyền thông hiện đại, tiếp cận với giới trẻ.

Bên cạnh đó là việc thúc đẩy tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhật Phương – Khánh Chi thực hiện
Thông tin chi tiết xem tại đây.