Định kiến ông bà kiểu mẫu là phải chăm cháu?

0
159

VTV.vn – Với nhiều người cao tuổi ở cả thành phố và nông thôn, vẫn còn tồn tại nhiều định kiến về vị trí, vai trò của người cao tuổi trong gia đình hiện đại.

Những hiện tượng mạng người cao tuổi xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng chục ngàn người theo dõi nhờ nội dung bổ ích, hấp dẫn, với nhiều chủ đề khác nhau từ khuyến khích rèn luyện sức khỏe, tình yêu nghệ thuật đến xây dựng phong cách thời trang. Điểm chung là đều nhận được sự hỗ trợ từ con cháu để nắm bắt công nghệ, xu hướng mới trên mạng xã hội. Thông qua những hoạt động này, cuộc sống của họ phần nào trở nên vui tươi hơn.

Theo Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam, đủ từ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ. Theo quan niệm truyền thống, cứ về hưu thì người cao tuổi sẽ lấy con cháu làm niềm vui, ít khi có vui thú cá nhân hay đam mê riêng. Bên cạnh đó, tâm lý “già cậy con” bao đời nay cũng khiến người cao tuổi sống phụ thuộc vào con cái. Chính vì thế, đời sống tinh thần của nhiều người cao tuổi đôi khi trở nên tẻ nhạt.

Thời gian của người cao tuổi còn ít ỏi, thời gian dành cho đời sống tinh thần của họ lại càng hiếm hoi. Với nhiều người cao tuổi ở cả thành phố và nông thôn, vẫn còn tồn tại nhiều định kiến về vị trí, vai trò của người cao tuổi trong gia đình hiện đại. Ở độ tuổi đáng ra cần được nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già thì những người ông, bà kiểu mẫu còn đang phải đón rước cháu đi học, bận rộn trong bếp, bận rộn chuẩn bị bữa cơm. Nhiều người cao tuổi ít thời gian và điều kiện để thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho chính bản thân mình.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người trường thọ đa phần đều có thái độ lạc quan, đầu óc tỉnh táo và tinh thần sảng khoái. Họ luôn ý thức rèn luyện và duy trì triết lý sống thanh thản, sống tích cực, biết phát hiện và tận hưởng niềm vui ngay xung quanh mình.

“Việc đầu tiên cần quan tâm là công tác truyền thông tốt hơn nữa để mỗi người cao tuổi nói riêng và hệ thống xã hội nói chung biết việc quan tâm người cao tuổi là vô cùng quan trọng. Các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, câu lạc bộ người cao tuổi dựa vào cộng đồng hay các hoạt động dành cho người cao tuổi có mô hình rất phong phú, nhưng trên thực tế, tỷ lệ người tham gia còn rất khiêm tốn. Chúng tôi mong rằng trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chăng có sự hợp tác để sẻ chia, truyền thông giúp người cao tuổi tham gia tích cực hơn”, ông Mai Xuân Phương – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chia sẻ.

Người cao tuổi là tài sản quý của xã hội, vì trong quá trình sống và làm việc họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú. Tuy nhiên, tuổi cao kéo theo đổi thay về tâm sinh lý. Vì thế, dù nhiều thế hệ cùng chung sống hay không thì sự chăm sóc của con cháu, xã hội về cả vật chất và tinh thần là vô cùng quan trọng. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn, sự hiếu thảo mà còn là tình yêu thương, đầm ấm với ông bà, cha mẹ. Bản thân người cao tuổi cũng ý thức biết hưởng thụ hơn với những sở thích tuổi già cùng nhau.

Thông tin chi tiết xem tại đây.