Giáo dục tiền hôn nhân để đặt nền móng bền vững cho hạnh phúc gia đình

0
94

GiadinhNet – Tình trạng ly hôn nước ta đang ở mức báo động, số vụ ly hôn không ngừng tăng. Năm 2017, có tới trên 65.000 vụ ly hôn (tăng 24.000 vụ so với năm 2000), chiếm 30% tổng số cặp vợ chồng.

Phát biểu tại Hội thảo định hướng, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình giáo dục tiền hôn nhân  vừa được TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, các gia đình hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như: Tình trạng ly hôn đang ở mức báo động, số vụ ly hôn không ngừng tăng.

Năm 2017, có tới trên 65.000 vụ ly hôn (tăng 24.000 vụ so với năm 2000), chiếm 30% tổng số cặp vợ chồng. Trong đó, 70% số vụ ly hôn là các gia đình trẻ (18-30 tuổi). Bạo lực gia đình cũng đáng lưu tâm, cùng với đó là vấn đề sức khoẻ sinh sản, vô sinh…


Bà Trần Thị Hương phát biểu tại Hội thảo

Bà Trần Thị Hương phát biểu tại Hội thảo

Nhận định việc nếu cuộc sống hôn nhân đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại trong cuộc đời mỗi cá nhân rất lớn, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện dự án 3 Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc trong khuôn khổ đề án 279 của Chính phủ về “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”.

Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức như: xây dựng tài liệu giáo dục tiền hôn nhân, xây dựng góc tư vấn về hôn nhân gia đình, xây dựng mô hình CLB Gia đình hạnh phúc, chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, về DS-KHHGĐ…

Chia sẻ về những kinh nghiệm giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh nhiên, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết, từ 2011, mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân được nhân rộng triển khai trong cả nước. Tuy nhiên, tới 2017, do thiếu kinh phí nên chỉ còn 56/63 tỉnh duy trì.

Mô hình này thực hiện với mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên và Khám sức khoẻ, phát hiện, tư vấn về phòng tránh và điều trị cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật. Đối tượng vị thành niên được ưu tiên để giải quyết mục tiêu quan hệ tình dục an toàn trước hôn nhân, giảm tỉ lệ mang thai trong tuổi vị thành niên.

Theo bà Hồng, tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân như một cuộc kiểm tra y tế nghiêm túc các cặp sắp kết hôn để xem có mắc các bệnh máu di truyền, các bệnh truyền nhiễm, các nguy cơ xác suất mắc bệnh của con cái trong tương lai… “Đây được coi là một bước tiến trong việc tiết kiệm cho xã hội và giúp mọi người tận hưởng cuộc sống” – bà Hồng nói.

Tại hội thảo, đại diện Hội LHPN Đà Nẵng, TP HCM, Hải Dương… đã chia sẻ về thực hiện thí điểm giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên tại địa phương mình.

Đơn cử, tại TPHCM, bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho biết, Hội đã giới thiệu 4 chuyên đề tổ chức thành 4 buổi học mà Hội biên soạn ngắn gọn và dễ hiểu; thành đoàn TP cũng vận động 100% cặp đôi tham gia chương trình Lễ cưới tập thể hàng năm….; Cách thu hút người tham gia cũng được xã hội hóa, tìm kiếm huy động quà tặng, phiếu nghỉ trăng mật cho các cặp đôi tham gia.

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN TP HCM đã tổ chức được 26 lớp tại 22 quận/huyện, với gần 1.000 đôi nam nữ yêu nhau và gần 500 nam nữ thanh nhiên tham gia lớp học, 56 cặp đôi đã đăng ký kết hôn.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã đưa ý kiến cần xây dựng nội dung giáo dục cho nam giới nhiều hơn, có hình thức giáo dục phù hợp cho hai đối tượng nam và nữ một cách cân bằng. Để hoạt động giáo dục tiền hôn nhân thực hiện hiệu quả, liền mạch, cần xây dựng chiến lược cụ thể, có sự phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành.

Vấn đề chứng nhận tiền hôn nhân có ý nghĩa trong việc kết hôn cũng là một giải pháp thúc đẩy mọi người tham gia học tiền hôn nhân nghiêm túc và chất lượng hơn.

Q.An