Dân số tăng nhanh và mối lo về nhà ở

0
244

GiadinhNet – Bên cạnh áp lực về ùn tắc giao thông thì việc gia tăng dân số sẽ tạo thêm những áp lực về y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và đặc biệt là nhà ở. Tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, áp lực này là một bài toán đau đầu của các nhà quản lý.

Gia tăng dân số đang tạo nên những áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường và đặc biệt là nhà ở. Ảnh: T.L

Gia tăng dân số đang tạo nên những áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường và đặc biệt là nhà ở. Ảnh: T.L

Mất cân đối giữa mức gia tăng dân số và quy hoạch đất ở, nhà ở

Dân số hiện tại của Việt Nam ước tính trên 97 triệu người, đông dân thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Với tổng diện tích đất là 310.060 km2, mật độ dân số của Việt Nam là 313 người/km2 cao nhất trong các nước trong khu vực.

Theo UBND TPHCM, trong 10 năm gần đây, dân số của TPHCM tăng bình quân khoảng 170.000 người, gần bằng dân số của một quận có quy mô nhỏ của thành phố. Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, dân số của TP HCM đến thời điểm ngày 23/1/2019 là 8.859.688 người, tăng 64.823 người so với thời điểm 30/6/2018. Số liệu này chưa tính lực lượng bộ đội và công an ở tại hộ. Như vậy trong thời kỳ 10 năm, từ năm 2009 -2019, tốc độ tăng dân số bình quân của TPHCM là 2,15%/năm. Bình quân một năm thành phố tăng khoảng 170.000 người, gần bằng dân số của một quận có quy mô nhỏ ở thành phố.

Tính đến cuối năm 2018, Hà Nội có khoảng 7,8 triệu người, trong đó, có gần 1,5 triệu người tạm trú. Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Nếu không tính người dân các địa phương lân cận về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai, thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng trên 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất. So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100 – 200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao.

Những hệ lụy của gia tăng dân số đang tạo nên những áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và đặc biệt là nhà ở. Khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020, 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở. Trong đó, 10.000 cán bộ, công chức; 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo; 17.000 lao động khu công nghiệp… đang mong có nhà ở.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng nhiều, đặc biệt ở TP Hà Nội, nhưng nguồn cung đáp ứng không đủ và vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tại các thành phố có lực lượng lao động trẻ đông, dân nhập cư lớn như Hà Nội, nhu cầu nhà ở rất cao. Đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở khoảng 1,2 triệu người; dự kiến đến năm 2020, sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.

Giãn dân và phát triển mạnh nhà ở xã hội

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở, nhiều người dân ở cả hai thành phố Hà Nội và TPHCM phải thuê nhà hoặc “nhảy dù” chiếm dụng đất trống làm nhà ở.

Giá nhà tăng cũng một phần do nhập cư quá đông, từ đó số lượng nhà thuê không đủ đáp ứng. Trong đó, ở TPHCM tại các quận 9, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn… chỉ trong 10 năm trở lại đây gia tăng dân số một cách chóng mặt.

Ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Nơi nào có người dân nhập cư đông là nơi đó nở rộ nhà không phép do người dân làm liều. Hầu như năm nào các huyện vùng ven thành phố cũng xảy ra hàng trăm trường hợp xây dựng không phép.

Để giải quyết phần nào nhu cầu về nhà ở, TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nếu dựa trên phép tính nói trên thì hiện TPHCM thiếu hụt hàng chục ngàn căn nhà. Hiện ở quận Bình Tân, nơi có số dân nhập cư cao hiện đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội và trình UBND thành phố phê duyệt 8 đồ án quy hoạch trên địa bàn để sớm gỡ khó khăn. Quận này cũng đã chuẩn bị quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, đồng thời phát triển, cải tạo loại hình nhà ở cho công nhân thuê, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú ở khu công nghiệp Tân Bình mở rộng.

Còn Hà Nội đang có nhiều phương án để giãn dân trong khu vực nội thành. Theo đó, Hà Nội thực hiện Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 5 khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Tuy nhiên, 5 khu đô thị này hiện mới chỉ trong giai đoạn lập quy hoạch. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm khu đô thị vệ tinh Đông Anh theo hướng xây chung cư. Việc triển khai thêm khu đô thị này cũng nhằm giãn dân, giảm tải áp lực nhà ở, giao thông cho khu vực nội đô.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở nhiều nước công nghiệp phát triển đều có chính sách và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, người nhập cư. Phổ biến nhất là hình thức thuê nhà ở xã hội, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (thuê dài hạn từ 20-30 năm). Hàn Quốc có 5 loại hình “căn hộ công” cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỉ lệ đặt tiền thế chân, thời gian thuê khác nhau: 50, 30, 20 năm hay từ 5-10 năm. Theo ông Châu, việc đầu tư xây dựng chuỗi đô thị như vậy sẽ có giá trị lâu dài và giải quyết bài toán nhà ở.

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 diễn ra từ 1-25/4/2019 là cực kỳ quan trọng, nhằm thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở. Qua đó, sẽ giúp Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Hà Anh – Minh Trang