Lần đầu tiên ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thiết bị di động

0
60

GiadinhNet – Thông qua ứng dụng, người cao tuổi và gia đình của họ có thể được cập nhật nhiều nội dung hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như: Hướng dẫn cách phòng chống COVID-19; hướng dẫn một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; chế độ dinh dưỡng và các bài tập thể dục cho người cao tuổi…

 Đây là những tính năng nổi bật trong ứng dụng di động cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam xây dựng năm 2020 và tổ chức ra mắt chiều 28/1.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi trên 65 là 7%. Năm 2019 tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.

Lần đầu tiên ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thiết bị di động - Ảnh 1.

S-Health là ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam xây dựng năm 2020. Ảnh: N.Mai

Hơn nữa, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các cơ sở chăm sóc dài hạn chưa phát triển, chưa có sự kết nối với các hình thức chăm sóc tại cộng đồng đảm bảo già hóa tại chỗ. Đặc biệt là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam“, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số. Trong đó, năm 2020, Tổng cục Dân số đã xây dựng, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 .

Cũng trong năm 2020, Tổng cục Dân số đã phối hợp với UNFPA xây dựng ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (S-Health) nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để người cao tuổi và người thân, người chăm sóc người cao tuổi có thể tự áp dụng trong việc chăm sóc sức khỏe.

Đây cũng là một trong những nội dung phù hợp với hoạt động triển khai mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua mạng (viễn thông, internet) nằm trong Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 mà Thủ tướng đã ban hành.

Lần đầu tiên ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thiết bị di động - Ảnh 2.

Cài đặt ứng dụng S-Health trên thiết bị di động, người cao tuổi và gia đình của họ có thể được cập nhật nhiều nội dung hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và có sự trợ giúp khi cần thiết

Tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã để lại những tác động nghiêm trọng đối với người cao tuổi và làm nổi bật vấn đề sức khỏe và phúc lợi của người cao tuổi trong xã hội.

Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Rõ ràng, người cao tuổi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc và nổi bật tính dễ bị tổn thương và những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Người cao tuổi phải được ưu tiên trong các nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 của Việt Nam nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển”, bà Naomi Kitahara nói.

Theo bà Naomi Kitahara, S-Health là một ứng dụng rất hữu ích, giúp chuyển tải nhiều nội dung chuyên đề trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như: Hướng dẫn cách phòng chống COVID-19, cập nhật các thông tin chính thống từ Bộ Y tế; các chính sách liên quan đến chăm sóc người cao tuổi; hướng dẫn một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn chế độ dinh dưỡng ở người cao tuổi; hướng dẫn bài tập thể dục cho người cao tuổi kèm theo các video hướng dẫn phòng chống COVID-19, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (dạng text, infographic và giọng nói).

Bên cạnh đó, ứng dụng này còn giúp người cao tuổi tra cứu, hỏi đáp, tìm kiếm sự trợ giúp (S0S), liên kết với đường dây nóng 115; cung cấp danh sách các cơ sở, địa chỉ, liên hệ của phòng khám chữa bệnh, thiết bị sức khỏe cho người cao tuổi; quản lý, theo dõi sức khỏe hằng ngày, cảnh báo trạng thái sức khỏe, nhắc nhở người cao tuổi uống thuốc…

Khi cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn mà tất cả chúng ta đều mong muốn theo Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững, tôi tin rằng bằng cách hợp lực và làm việc cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra khác biệt, giúp thúc đẩy các biện pháp thích ứng có ý nghĩa đối với già hóa dân số. Ứng dụng S-Health sẽ giúp người cao tuổi tiếp tục làm những điều mà họ trân trọng và giúp họ tránh bị cô lập xã hội và phụ thuộc vào sự chăm sóc”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Mai Thùy