Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên

0
70

GiadinhNet – Nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại châu Á” do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2020-2022. Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức xã hội, các đơn vị nghiên cứu, Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre…

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 1.

Các đại biểu dự trực tiếp tại Toạ đàm

Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tại Việt Nam là 111,5 trẻ trai trên 100 trẻ gái trong khi đó tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu TSGTKS không giảm.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 2.

Và các đại biểu tham dự tại các đầu cầu các tỉnh

Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách để giải quyết vấn đề MCBGTKS:

Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số;

Điều 4, Luật Bình đẳng giới;

Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016;

Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016;

Quyết định số 3382/QĐ-BYT ngày 05/7/2016;

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian qua, Chính phủ Việt  Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách để giải quyết vấn đề MCBGTKS. Và Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Tại Trung ương: Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế triển khai Đề án; Giao chỉ tiêu cụ thể cho các tỉnh, thành phố; hướng dẫn địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; Báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi Thủ tướng Chính phủ.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự toạ đàm ở đầu cầu trực tuyến tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Tại địa phương: Giai đoạn 2016-2020, có 62/63 tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh; Hàng năm, các tỉnh đưa ra chỉ tiêu và nhiệm vụ thực hiện Đề án tập trung vào 3 nhóm giải pháp: 1) Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; 2) Xây dựng, thử nghiệm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; 3) Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS hàng năm dưới mức 0,4 điểm phần trăm/năm; TSGTKS dưới mức 115 vào năm 2020. Năm 2016, TSGTKS là 112,2 đến năm 2020 là 112,1 (giảm 0,1 điểm phần trăm).

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 6.

Các đại biểu tham dự toạ đàm ở đầu cầu trực tuyến tỉnh Nghệ An

Có thể thấy, với những kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc nỗ lực kiểm soát TSGTKS. Tại Toạ đàm, bà Phạm Thu Hương, Phó Ban Xã hội – Dân số – Gia đình và Trẻ em (Hội Nông dân Việt Nam) chia sẻ 10 bài học kinh nghiệm khi triển khai mô hình chương trình “Làm cha trách nhiệm” trên cơ sở các cấp Hội. Các hoạt động này đều lấy nam giới, những người đã và sẽ làm cha làm đối tượng trọng tâm, đáp ứng mong muốn nhu cầu nguyện vọng chính đáng của họ trong việc cung cấp các kiến thức kỹ năng, nuôi dạy con cái khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần, là công dân toàn cầu trong tương lai…

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 7.

Bà Phạm Thu Hương chia sẻ về 10 kinh nghiệm trong triển khai chương trình tại các cấp Hội. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.

Nhiều nam giới đã chia sẻ khi tham gia mô hình này, hứa sẽ không bao giờ đánh con, làm cho con đau và luôn coi trọng con trai, con gái như nhau. Bà Hương cho hay, Hội cũng cam kết đồng hành với Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Bộ Y tế, Tổng cục Dân số và các bộ ngành để xây dựng, vận hành nhân rộng mô hình giảm định kiến giới, ưa thích con trai, nâng cao vị thế trẻ em gái tại các cấp của Hội. Chia sẻ tại Toạ đàm, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hưng Yên mong muốn mô hình “Làm cha trách nhiệm” của Hội Nông dân ở Hưng Yên tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đạt chỉ tiêu giảm 0,4 điểm phần trăm TSGTKS.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 8.

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ về những vấn đề truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tại Toạ đàm

Toạ đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp cho việc kiểm soát MCBGTKS trên cơ sở định kiến giới.Các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các cách tiếp cận sáng tạo nhằm thay đổi các định kiến văn hóa xã hội dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam; vai trò và sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 9.

BS Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số chia sẻ về công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, nhằm thay đổi định kiến giới.

Theo đó, việc giải quyết vấn đề MCBGTKS trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và trọng tâm của các chính sách, chương trình can thiệp cần đẩy mạnh hơn về thúc đẩy bình đẳng giới, xác định vai trò của nam giới trong môi trường gia đình và xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 10.

TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ về mối quan hệ biện chứng giữa bình đằng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 11.

Ths Lương Quang Đảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số chia sẻ về cơ cấu và nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về công tác dân số với đại diện khách mời của Quỹ Dân số Liên hợp quốc

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen cho biết, Chính phủ Na Uy rất tự hào khi là đối tác của UNFPA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam kiểm soát lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. “Tọa đàm là một cơ hội để thảo luận và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Kinh nghiệm không chỉ dừng lại việc truyền thông mà cần thay đổi hành vi, đặc biệt cho nam giới và nam thanh niên.” – bà Grete Lochen nói.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 12.

Đại sứ Grete Lochen

Đại sứ Grete Lochen cũng cho biết, trong các chính sách phát triển của mình, Na Uy đặc biệt ưu tiên củng cố những chuẩn mực toàn cầu phản đối mọi thực hành có hại và thúc đẩy quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Vì vậy, Đại sứ kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hợp tác để chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mang lại một tương lai tươi sáng và phồn thịnh cho Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA khẳng định cơ quan này cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách và pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 13.

Bà Naomi Kitahara

“Tôi mong muốn có sự tham gia nhiều hơn nữa của nam giới trong việc chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng ta cần biết rằng phụ nữ thường chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc phải sinh con trai chứ không phải con gái. Chính vì vậy, sự thấu hiểu và hỗ trợ của nam giới có thể tạo nhiều thay đổi. Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính trong những năm vừa qua, nhưng tỉ lệ mất cân bằng giới tính vẫn còn cao, cụ thể gần đây nhất là cao thứ ba tại châu Á. Chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn, chú trọng các biện pháp liên quan đến mức sinh của mỗi cá nhân và mỗi cặp vợ chồng trong việc lựa chọn số con, thời gian và khoảng cách mỗi lần sinh phù hợp với nguyên tắc của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển”, bà Naomi Kitahara chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế )nhấn mạnh: Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam.

Ông Phạm Vũ Hoàng cho hay: Trong thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng Chính phủ… nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 15.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng cho rằng, các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên - Ảnh 16.

Tọa đàm là dịp để cơ quan quản lý, các chuyên gia nêu lên thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới hiện nay của Việt Nam, cũng như những khuyến nghị, định hướng chính sách, chương trình trong thời gian tới. Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)