Ứng phó với thách thức già hóa dân số: Tuổi thọ cao – mừng lớn, lo nhiều

0
99

GiadinhNet – Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử, đứng vào tốp 5 những nước già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo chưa đầy 20 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với những thách thức lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Người cao tuổi cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ảnh: Chí Cường
Người cao tuổi cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ảnh: Chí Cường

Thành tựu lớn, thách thức cao

Trong những năm qua, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em ngày càng giảm. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi (NCT) tăng lên.

Tuổi thọ bình quân đầu người (hay nói cách khác là kỳ vọng sống tính từ lúc sinh của Việt Nam – PV) vào năm 2014 đạt 73,2 tuổi. Đặc biệt là số người có tuổi thọ rất cao càng tăng. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Có thể nói, đây chính là thành tựu đáng tự hào của chúng ta trong những năm qua.

Sau cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, Tổng cục Thống kê đã dự báo: Vào năm 2017, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Nhưng chỉ sau 2 năm, tỷ lệ NCT ở Việt Nam (trên 65 tuổi) đã đạt 7%, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10%, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số NCT nước ta sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Nếu 2012, cứ khoảng 11 người dân mới có 1 NCT thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 NCT và dự báo năm 2049 sẽ là 4 người dân có 1 NCT. Theo đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già (thời gian để tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%) của Việt Nam chỉ khoảng 18 – 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 70 năm, Nhật Bản 26 năm. Như vậy, có thể nói Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á.

Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao thì sức khỏe càng suy giảm. Khi tỷ trọng NCT ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên), đã đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT ngày càng lớn.

Những bệnh thường gặp nhất ở NCT là xương khớp, huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Trong khi số NCT đang tăng lên nhanh chóng và cần được chăm sóc sức khỏe cao thì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này. Tại tuyến Trung ương, chỉ có một bệnh viện lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe NCT.

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Theo Kết quả điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị.

Không chỉ về vấn đề sức khỏe, đời sống vật chất của NCT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có khoảng 3 triệu NCT (chiếm 39% người cao tuổi) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình và con cháu.

Trong khi đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với NCT. Ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần.

Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như chính sách về BHXH, BHYT và trợ cấp xã hội… nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội này mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận nhỏ của NCT. Để ứng phó với một xã hội già hóa dân số, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng.

Theo các chuyên gia về dân số, để giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với già hóa dân số, cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, tăng ngân sách cho Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta, góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số.

Những con số về NCT ở Việt Nam

– 70% NCT không có tích lũy vật chất.

– 62,3% NCT sống khó khăn, thiếu thốn.

– 27,6% NCT cho rằng kinh tế đang kém đi.

– 18% NCT sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao, càng nghèo).

– Hơn 30% NCT sống trong nhà kiên cố.

– Gần 10% NCT sống trong nhà tạm.

– 35% NCT cảm thấy thất vọng.

– 33% NCT không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai.

– 22% NCT cảm thấy rất cô đơn.

(Nguồn: Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam)

Thời gian đau ốm chiếm 11% tổng số tuổi thọ

Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam cho biết, độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74,3 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ sống khỏe mạnh vẫn thấp. Số năm đau ốm trung bình của một người Việt Nam là 7,3 năm (khoảng 11% tổng số tuổi thọ). Bên cạnh đó, đời sống vật chất của NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% NCT ở thành phố và 21,9% NCT ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ Nhà nước. Có tới 70 – 80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái.

Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hội