Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9/2019: Hãy là những người sống chủ động, có trách nhiệm

0
220

GiadinhNet – Mục tiêu của Ngày Tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9/2019: Hãy là những người sống chủ động, có trách nhiệm - Ảnh 1.

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng Mobile với tên “Sống chủ động” – tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai. Ảnh: Nguyễn Mai

Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn còn cao

Phát biểu tại Hội thảo Hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2019 với chủ đề: “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai” do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức ngày 23/9, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác DS-KHHGĐ góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, nước ta đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Do đó, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt là ở nhóm VTN/TN. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân.

Đề cập đến tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai ở Việt Nam, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, Việt Nam đã khống chế tốc độ gia tăng dân số và duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta luôn duy trì ở mức cao so với khu vực và trên thế giới. Năm 2017, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là trên 76%, trong đó, biện pháp tránh thai hiện đại chiếm hơn 65%.

Theo ông Mai Trung Sơn, hiện nay, kênh phân phối các biện pháp tránh thai ở nước ta cũng ngày càng đa dạng. Trước năm 1993, việc cung cấp các biện pháp tránh thai được triển khai duy nhất qua các cơ sở y tế Nhà nước, thì hiện nay đã triển khai qua 3 kênh chủ yếu là: Kênh dịch vụ lâm sàng (thực hiện các biện pháp tránh thai qua các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân); kênh phân phối dựa vào cộng đồng (thông qua mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại thôn bản tham gia cung cấp bao cao su và viên uống tránh thai); kênh tiếp thị xã hội, xã hội hóa và thị trường tự do.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Quy mô dân số cho biết, hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc cung ứng các phương tiện tránh thai như: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Nhiều nơi, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng mức sinh lại cao, cần thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp tránh thai để đề phòng mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại có xu hướng giảm. Tình trạng có thai ngoài ý muốn có xu hướng tăng (77% phá thai với lý do có thai ngoài ý muốn ở những phụ nữ có từ 2 con trở lên); nhu cầu tránh thai của VTN/TN ngày càng tăng và đa dạng nhưng việc tư vấn và cung ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS còn nhiều hạn chế…

Chủ động phòng tránh thai an toàn vì mình và cộng đồng

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, hàng năm, theo thông báo chính thức vẫn có 300.000 – 350.000 ca phá thai. Theo kết quả điều tra biến động DS – KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 – 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

“Phá thai không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh thứ phát”, ông Nguyễn Doãn Tú nói. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, ngày Tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Theo lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ, phòng tránh thai an toàn mang lại rất nhiều lợi ích giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều, từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Cũng theo ông Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau. Từ đó, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, từ năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng cục DS-KHHGĐ với sự đồng hành của Công ty Bayer đã phát triển Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cộng đồng. “Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động” (trong đó, tập trung chủ yếu đến việc tuyên truyền các kiến thức về phòng tránh thai an toàn cho chị em).

Trong đó, năm 2017 Chương trình đã tổ chức liên tiếp 12 hội thảo chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em tham gia. Song song đó, kênh truyền thông trực tuyến cũng là một phương tiện giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin xác tín cũng được cập nhật và tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trên cả nước với hơn 428.000 chị em tham gia cuộc thi online “Hiểu về tránh thai”.

Để tiếp nối những thành công đó và với mong muốn có thể mang những kiến thức chuyên sâu về tránh thai đến với chị em phụ nữ trên cả nước, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục nhân rộng mô hình Hội thảo Tư vấn và giao lưu chuyên sâu đến các đối tượng là các bộ dân số địa phương. Mô hình Hội thảo tập trung giúp cho cán bộ dân số đang làm việc tại địa phương có thêm động lực, hiểu rõ về công việc mình đang làm và có niềm tin trong thực hiện các nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho từng cán bộ dân số đến mỗi người dân.

Do đó, trong năm 2019, để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, Chương trình cho ra mắt ứng dụng Mobile với tên “Sống chủ động” – đây nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Người dân có thể tải ứng dụng trên cả nền tảng Android và IOs kể từ ngày 26/9/2019.

DSC08285 - Copy

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ.

“Hy vọng các bạn trẻ không bao giờ phải nói câu ân hận vì không sử dụng các biện pháp tránh thai. Hãy là những người sống chủ động, có trách nhiệm. Các bạn trẻ hãy nhớ: “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”.

Tại Hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2019, Tổng cục DS-KHHGĐ đã vinh danh và trao tặng Giấy khen cho Công ty TNHH Bayer Việt Nam – một trong những doanh nghiệp có cùng tầm nhìn chiến lược và kiên trì thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội trong việc tuyên truyền về phòng tránh thai an toàn.

Doanh nghiệp này luôn ủng hộ các chương trình của quốc gia như “Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức”. Bayer là đối tác lâu dài của Tổng cục DS-KHHGĐ trong Chương trình Truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn việc sử dụng biện pháp tránh thai như là một phần của KHHGĐ, từ đó giúp họ có những quyết định đúng đắn về việc sử dụng biện pháp tránh thai để có cuộc sống chủ động và tốt đẹp hơn.

Mai Thùy