Trước thực trạng dân số đang già hóa, ĐBQH hiến kế gì để Việt Nam giữ vững dân số vàng?

0
126

GiadinhNet – Với xu hướng già hóa dân số hiện nay và trong tương lai, để khai thác tiềm năng của lớp người cao tuổi, việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ tạo ra động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.

 Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV, BĐQH Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) nêu lên thực trạng già hóa dân số, đưa ra những dự báo cũng như đưa ra những đóng góp để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, tạo động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, chăm sóc tốt cho người cao tuổi cũng là đóng góp quan trọng để Việt Nam ở thời kỳ dân số vàng.

Nêu lên thực trạng, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo đến năm 2035 là khoảng 20%, đến năm 2050 là khoảng 25%.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm y tế khoảng 95% trên tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng rằng, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.

Trước thực trạng dân số đang già hóa, ĐBQH hiến kế gì để Việt Nam giữ vững dân số vàng? - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Tất Thế – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Hiện nay, đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa, nhưng chưa nhiều, vẫn còn những rào cản trong việc ra đời các hoạt động tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, do cá nhân và tổ chức thành lập. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hành động mạnh mẽ trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có người cao tuổi.

Đại biểu Trần Tất Thế cũng nêu lên quan điểm: “Tuy nhiên, tình hình thực hiện nhiệm vụ mới đặt ra thách thức ngày càng lớn về chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn, bền vững. Với xu hướng già hóa dân số hiện nay và trong tương lai để khai thác tiềm năng của lớp người cao tuổi, việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ tạo ra động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.

Để thực hiện được cũng đặt ra yêu cầu, tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, trước hết là người cao tuổi và trẻ em.

Đại biểu cũng dẫn chứng thực tế tại các địa phương, người cao tuổi luôn là trụ cột gia đình, dòng họ, tiếng nói của người cao tuổi có trọng lượng trong cộng đồng, người cao tuổi là tấm gương để con cháu học tập, noi theo, phấn đấu và phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển gia đình, cộng đồng và xã hội.

Phát huy phong trào tuổi cao, gương sáng, trong đó nhiều người cao tuổi cùng gia đình đã tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng trường học, xây dựng nông thôn mới, đóng góp ngày công tham gia bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Những thành tựu đạt được về kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đều có sự đóng góp lớn về trí tuệ, tinh thần của các thế hệ người cao tuổi.

Do quá trình phát triển kinh tế – xã hội, hiện nay mô hình gia đình có sự thay đổi, chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, ngày càng nhiều người cao tuổi không sống chung với con cháu. Một bộ phận người cao tuổi sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn, điều kiện vật chất eo hẹp khi sức khỏe suy giảm, bệnh tật gia tăng theo độ tuổi.

Đại biểu cũng đề xuất, để chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị và gia đình về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm người cao tuổi và giữa người cao tuổi với xã hội. Việc tổ chức thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải tự chi trả kinh phí không có bảo hiểm là sự cần thiết.

Nhà nước cần có cơ chế thu hút tổ chức, cá nhân trong xã hội, chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng các mô hình trong tương lai. Như vậy, một xu hướng tất yếu trong tình hình hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng và mỗi cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện về vật chất, trí tuệ và tinh thần từ khi còn trẻ để khi về già, người cao tuổi không phải là gánh nặng, mà là một nguồn lực của gia đình và xã hội.

Lê Bảo