Người cao tuổi tại TPHCM đang tăng rất nhanh

0
564

GĐXH – Theo ông Phạm Chánh Trung, mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến TPHCM có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Sáng 23/1, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội thảo thích ứng già hóa dân số tại TPHCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

Tham dự hội thảo, ông Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Tại TPHCM, người cao tuổi TPHCM đang tăng rất nhanh về số lượng, bắt đầu từ năm 2017. Nhóm người cao tuổi này đang chịu tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh.

Người cao tuổi tại TPHCM đang tăng rất nhanh - Ảnh 1.

Ông Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM. Ảnh: P.T

Theo số liệu cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tính đến hết ngày 1/12/2023, số người trên 60 tuổi ở TP HCM là 1.338.680 người, chiếm tỷ lệ 12,24% trên tổng dân số.

Về số người cao tuổi tại TPHCM, đứng đầu là TP Thủ Đức với 127.019 người, tiếp đó là quận Bình Thạnh với 95.352 người cao tuổi, Quận 12 là 90.731 người cao tuổi, Quận Gò Vấp có 77.732 người cao tuổi, Quận 8 là 76.819 người, quận Tân Bình 68.782 người…

Huyện Cần Giờ và Nhà Bè là hai huyện có số lượng người cao tuổi thấp nhất là 9.924 và 17.782 người.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP HCM, tuổi thọ trung bình của dân số tại TP HCM năm 2023 là 76,3 tuổi, trong đó nam là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi.

Theo ông Phạm Chánh Trung, mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến TP HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo thích ứng già hóa dân số tại TPHCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: P.T

Trong những năm qua, TP HCM đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng cũng như tỷ trọng người cao tuổi trong dân số già đang gia tăng nhanh tại thành phố, người cao tuổi cũng phải đối diện với những thách thức rất lớn vê sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chánh Trung, với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay sẽ là thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để TP HCM xây dựng xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số. Cụ thể như thực trạng công tác đào tạo nghề chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam; về việc sử dụng dịch vụ nhà dưỡng lão trên địa bàn TP HCM; xây dựng thành phố thân thiện với người cao tuổi…

Thông tin chi tiết xem tại đây