Làm gì để 4 triệu đàn ông Việt khỏi… ế vợ?!

0
160

GiadinhNet – Với tình trạng mất cân bằng giới tính ở cả thành thị và nông thôn như hiện nay, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì khiến trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ, dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, tỉ số giới tính khi sinh (GTKS) ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng. Cụ thể, tỉ số GTKS của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110%, liên tục tăng và còn tiếp tục tăng. Ngành Dân số đang nỗ lực truyền thông nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn hệ lụy của tình trạng quá dư thừa nam giới. Việc cho ra mắt cuốn “Tài liệu hỏi – đáp về mất cân bằng GTKS” là một trong những chuỗi hoạt động này!


Chiến dịch truyền thông giảm tình trạng “Mất cân bằng GTKS” do ngành Dân số TP Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh. Ảnh: Dương Ngọc

Chiến dịch truyền thông giảm tình trạng “Mất cân bằng GTKS” do ngành Dân số TP Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh. Ảnh: Dương Ngọc

Cơ sở thực tế để cuốn tài liệu được ra đời

Đây là bộ tài liệu được xây dựng khoa học, công phu, bố cục hợp lý, được trình bày dưới dạng hỏi – đáp giúp người đọc dễ tra cứu, dễ đọc, dễ nhớ. Nội dung trong cuốn sách phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành. Làm thế nào để có thể sử dụng ngay khi cán bộ dân số cơ sở được tiếp cận tài liệu? Đây là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Giới thiệu tài liệu hỏi – đáp về mất cân bằng GTKS” do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng  ngày 14/12.

Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ của các tỉnh/thành trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, TS Lê cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã “phác họa” bức tranh toàn cảnh về tình trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh những hệ lụy mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong thời gian tới nếu tỷ số GTKS tại Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay. TS Lê Cảnh Nhạc thông tin, mất cân bằng GTKS đang ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nhiều nam giới trong xã hội. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng bốn triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

“Sức ép kết hôn sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như phá vỡ cấu trúc gia đình; gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; số người di cư ra nước ngoài ngày càng nhiều sẽ gây nên những bất ổn về chính trị – xã hội”, TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.

Theo Tổng cục DS -KHHGĐ, để ngăn chặn tình hình này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong việc ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản trên vào thực tế chưa đem lại kết quả như mong muốn. Theo ước tính, hiện nay khoảng 80% phụ nữ mang thai, bằng nhiều cách vẫn biết được giới tính thai nhi.

Do vậy, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức biên soạn cuốn “Tài liệu hỏi – đáp về mất cân bằng GTKS” với mục tiêu giúp cho các cán bộ dân số, y tế hiểu rõ hơn về tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Từ đó, nâng cao công tác truyền thông, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam.

Thông tin thiết thực, ý nghĩa

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Nam, chuyên gia trực tiếp biên soạn cuốn tài liệu cho biết: Cuốn “Tài liệu hỏi – đáp về mất cân bằng GTKS”  được biên dịch, chỉnh sửa từ cuốn sách “Bác sỹ và trẻ em gái” của Ấn Độ. Thông qua các câu chuyện thực tế và những tình huống khó xử của các bác sỹ liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, cuốn tài liệu đã “gợi ý” những điều bác sỹ cần làm trong từng tình huống cụ thể, góp phần nâng cao hiểu biết và vai trò của các cán bộ y tế trong việc hạn chế tình trạng phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi tại Ấn Độ.

Nhận thấy sự thiết thực của cuốn tài liệu trên, năm 2014, TS Nguyễn Thị Thu Nam và các cộng sự đã bắt tay vào biên dịch, chỉnh sửa và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với văn hóa và chính sách pháp luật của Việt Nam.

Nội dung chính của tài liệu gồm 3 phần: Phần 1: Kiến thức và thông tin cơ bản. Nội dung chủ yếu đề cập đến những khái niệm cơ bản như tỷ số GTKS, giới, giới tính và bình đẳng giới; các nguyên nhân gây mất cân bằng GTKS; tại sao cần quan tâm đến mất cân bằng GTKS và thực trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam…

Phần 2: Thực trạng và các kỹ năng cần biết như chính sách và quy định vai trò của cán bộ y tế liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi; những tình huống khó xử của bác sỹ và những điều bác sỹ cần làm.

Phần cuối là những văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và nhiều văn bản khác.

Sau khi nghe giới thiệu và trình bày tóm tắt nội dung cuốn sách, đa phần các ý kiến góp ý của đại diện các Chi cục DS-KHHGĐ đều đánh giá bộ tài liệu được xây dựng khoa học, công phu, thiết thực…

Ông Phạm Hồng Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hải Dương (đơn vị đầu tiên được đưa vào tập huấn thử nghiệm cuốn tài liệu này) thông tin: Tình trạng mất cân bằng GTKS ở Hải Dương đang ở mức nghiêm trọng. Hải Dương là 1 trong 3 tỉnh “dẫn đầu” về tình trạng mất cân bằng GTKS trên cả nước (Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh). Tính đến tháng 10/2015, tỷ số GTKS tại Hải Dương là 117,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Do đó, theo ông Phạm Hồng Tuấn, cuốn “Tài liệu hỏi – đáp về mất cân bằng giới tính khi sinh” được biên soạn rất hữu ích trong việc tăng cường truyền thông giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng và trên cả nước nói chung.

Nên đưa bộ tài liệu vào sử dụng rộng rãi

“Nếu bộ tài liệu được đưa vào sử dụng rộng rãi, có thể góp phần giảm chênh lệch tỷ số GTKS thông qua tác động trực tiếp đến các nguyên nhân của vấn đề. Do vậy, đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ hỗ trợ kinh phí để các địa phương in và cấp phát cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, tăng cường tập huấn triển khai hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu cho cán bộ dân số, y tế trên cả nước nói chung và ưu tiên cá tỉnh có tỷ số GTKS cao”, ông Phạm Hồng Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội